Nhà đầu tư nước ngoài cam kết hỗ trợ TP.HCM tham gia thị trường tín chỉ carbon

Mai Hạ|25/01/2024 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo TP.HCM và nhóm thị trường carbon và tài chính thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đã thống nhất thí điểm thành lập và kết nối thị trường tín chỉ carbon tại Thành phố vào hệ thống mà WB đang triển khai.

Sáng 24/1, trong khuôn khổ hội nghị kêu gọi đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có buổi gặp gỡ các tổ chức, nhà đầu tư.

Tham dự cuộc gặp còn có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan và đại diện các sở, ngành.

25-tphcm.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi gặp gỡ

Tại đây, lãnh đạo TP.HCM đã gặp gỡ Nhóm thị trường carbon và tài chính thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) do ông Chandra Sinha, Chuyên gia trưởng toàn cầu về tài chính khí hậu WB làm Trưởng đoàn.

Hai bên đã trao đổi về thị trường tín chỉ carbon hiện nay: Cơ hội, thách thức, cách vận hành; cách thức tạo và trao đổi tín dụng carbon; cũng như giới thiệu về hệ thống tín dụng carbon mà WB đang triển khai trên toàn thế giới. Đồng thời, thí điểm thành lập và kết nối thị trường tín chỉ carbon tại TP.HCM vào hệ thống mà WB đang triển khai.

Lãnh đạo Thành phố cũng gặp gỡ nhóm đại biểu của WB và Nhóm Công tác chung TP.HCM - WB (HWG), do bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Lãnh đạo Thành phố cũng tiếp, làm việc với các nhà đầu tư từ Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP.HCM; chia sẻ cách thu hút các nguồn tài chính xanh, từ chính sách đến cách thực hiện.

Cần bắt kịp xu hướng của thị trường carbon

Theo ông Chandra Sinha, ưu tiên của WB trong thị trường carbon hiện nay là tăng tốc thật nhanh và chuyển đổi. Trong 6 tháng gần đây, WB đang đẩy mạnh phát triển thị trường carbon bởi đây là vấn đề được quan tâm.

Tại cuộc gặp của lãnh đạo các quốc gia gần đây tại Dubai, Chủ tịch WB đã khẳng định thị trường carbon là nguồn lực quan trọng để thu hút tài chính tư nhân trên toàn cầu và để tài trợ cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam muốn chuyển đổi năng lượng.

Ý tưởng của thị trường tín dụng carbon là để có thể chuyển giao các nguồn lực sang khu vực tư nhân và lấy nguồn tài chính từ thị trường tín dụng carbon trên thế giới, giúp chúng ta đạt được mục tiêu về cân bằng carbon. Việc này đòi hỏi sự tham gia của chính phủ các nước để thực hiện các mục tiêu của hội nghị Paris về biến đổi khí hậu.

Ông Chamdra Sinha khẳng định đội ngũ của WB đang làm việc cùng các đối tác như TPHCM để tìm cơ hội cho thị trường này và tìm nguồn tài trợ để chuyển đổi sang phát triển carbon thấp, đem lại lợi ích cho TP.HCM và Việt Nam.

Chủ tịch WB đã gửi thư chính thức mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thị trường tín chỉ carbon ở cấp độ quốc gia và cấp tỉnh, thành phố, thành phố - nơi nào có tiềm năng thì có thể tham gia ngay vào thị trường carbon.

Còn ông Marc Forni, Chuyên gia trưởng về Năng lực thích ứng đô thị, Điều phối viên HWG cho biết sẽ làm việc với HFIC và các sở, ngành của TP.HCM để triển khai các công việc cần thiết tham gia vào thị trường này. Theo đó, các doanh nghiệp và các tổ chức có thể được chứng nhận về giảm phát thải.

25-tp-hcm1.jpg
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ

"Chúng ta cũng có thể trao đổi và chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp để họ biết cần làm gì cũng như giúp về các giải pháp tài chính để họ mạnh dạn đầu tư".

Trao đổi với lãnh đạo Thành phố, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định, việc phát triển thị trường carbon thay đổi hằng ngày. Vì vậy, TP.HCM cần cập nhật thông tin về quá trình vận động của thị trường và hành động nhanh chóng để bắt kịp xu hướng của thị trường. WB sẽ hỗ trợ Thành phố trong bắt kịp thị trường này.

Bà Turk cho rằng TP.HCM cần mạnh dạn hơn nữa để thay đổi chính mình, trở thành thành phố xanh và thị trường carbon là cách để làm được việc này.

Tại cuộc gặp, ông Darryl Dong, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty tài chính quốc tế (IFC) – online khẳng định IFC có sự quan tâm đến TP.HCM và sẽ giúp Thành phố huy đông nguồn lực từ IFC và các đối tác bên ngoài, khu vực tư nhân cũng như thay đổi về mặt thể chế để triển khai dự án.

IFC cũng sẽ hỗ trợ để TP.HCM phi carbon hóa và tạo ra những đối tác ở bình diện thế giới; mang đến cho Thành phố các nguồn tài chính xanh và bền vững để triển khai các dự án này. IFC cũng có thể giúp khơi thông nguồn lực, có các nguồn viện trợ không hoàn lại để tạo đà cho các dự án.

TP.HCM muốn xác định loại hình tín chỉ carbon và tham gia thị trường quốc tế

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, đối với các ý kiến ông Chandra nêu, TP.HCM cũng quan tâm và sẽ tích cực tham gia để thực hiện mục tiêu giảm phát thải và tham gia thị trường tín chỉ carbon. TP.HCM muốn cùng WB và các chuyên gia giúp Thành phố chi tiết hơn trong việc xác định các loại hình tín chỉ carbon và tập trung xây dựng Thành phố như một khung tổng thể để có thể giao dịch được trên thị trường quốc tế.

Ở đây, WB có thể tập trung để giúp cho Thành phố có kế hoạch cụ thể, trong đó có khung chiến lược, khung tiêu chuẩn, khung chính sách. Những việc cần làm phải có lộ trình, có quy định để các bên tham gia để tuân thủ thực hiện. Thành phố cũng có những chính sách cho giai đoạn đầu để hỗ trợ cho công việc này.

Theo ông Mãi, đối tượng tham gia vào thị trường carbon này là một số tổ chức và các doanh nghiệp. Thành phố sẽ đẩy mạnh truyền thông để doanh nghiệp chấp nhận và áp dụng các tiêu chuẩn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, chuyển đổi công nghệ, chuẩn bị cho doanh nghiệp hiểu biết về luật chơi, cách ứng xử khi tham gia. Cuối cùng, Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn WB giúp cho nguồn lực ban đầu để giúp cho TPHCM. Thành phố cũng sẽ dành phần ngân sách để làm việc này.

Đề cập đến Nghị quyết 98 của Quốc hội, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết có rất nhiều nội dung có thể thực thi như huy động nguồn tài chính lớn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ông Phan Văn Mãi cũng khẳng định TP.HCM mong muốn thông qua Nghị quyết 98 có thể huy động nguồn lực để tập trung hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM. Khi có Trung tâm sẽ thu hút được nhiều nguồn lực hơn nữa đầu tư vào Thành phố.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư nước ngoài cam kết hỗ trợ TP.HCM tham gia thị trường tín chỉ carbon