Việt Nam có sàn giao dịch tín chỉ Carbon đầu tiên

Minh Lâm|29/09/2023 15:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn.

Ngày 29/9 tại TP. HCM, Công ty cổ phần sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN đã chính thức ra mắt, trở thành doanh nghiệp (DN) đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc.

Thị trường carbon được xem là công cụ hữu hiệu và khả thi thực hiện giảm thiểu tác hại tới môi trường, hướng tới phát triển bền vững và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam còn khá mới mẻ, chưa nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, do đó cần thiết phải có một đơn vị tư vấn, hướng dẫn quy trình kiểm định và đăng ký tín chỉ carbon.

514d25a2b8b26cec35a3_20230929085538380.jpg
Các đại biểu bấm nút ra mắt Sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: T.G

Theo TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam, là sàn thí điểm để có thể giao dịch tín chỉ carbon cho tất cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sàn có những công cụ trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện từ Việt Nam ra thế giới. Việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài những cơ hội đã có, bên cạnh đó trước mắt còn gặp nhiều khó khăn thách thức cần sự đồng hành của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân, có thể khẳng định việc ra mắt Sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên tại Việt Nam ngày hôm nay là bước lấy đà rất quan trọng, trong quá trình phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam trong tương lai.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Net zero mà Việt Nam cam kết tại COP26 năm 2021 là mục tiêu rất tham vọng và thách thức. Việc xây dựng thị trường carbon là chìa khóa. Thị trường carbon được xây dựng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp”.

Xác định tầm quan trọng của thị trường này, ngày 29/9 Tập đoàn CT Group ra mắt Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam cung cấp thông tin tư vấn đầy đủ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về cách thức xây dựng dự án tín chỉ carbon, cách thức đăng ký, kiểm định, xác nhận cùng các cơ chế trao đổi, đền bù, vay tín dụng đối với các khoản tín dụng carbon và áp dụng thuế carbon trong khu vực và trên toàn cầu.

tin-chi-carbon(1).jpg
Việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ Carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bà Hoàng Bạch Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn CT Group cho biết từ ngày 01/10 tới đây, 27 quốc gia EU bắt đầu thực hiện thí điểm về việc đánh thuế carbon với hàng hóa xuất sang thị trường theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Hoa Kỳ sẽ là thị trường tiếp theo ban hành cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới, áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu vào Hoa Kỳ vào năm 2024.

"Trong thế giới toàn cầu hóa, xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh là xu thế tất yếu, để tăng năng lực cạnh tranh cấp độ toàn cầu. Đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon mà những thị trường lớn đang áp dụng sẽ đóng vai trò quyết định cho cuộc đua mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu", đại diện CT Group nói.

Được biết quá trình xây dựng, vận hành thị trường carbon đòi hỏi đầu tư về kỹ thuật, nhân lực và tài chính. Hơn nữa đây là thị trường còn mới mẻ ở Việt Nam, dẫn đến nhiều khó khăn trở ngại phải đối diện. Việc CCTPA ra đời cũng đặt dấu chân tiên phong trong Đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam" của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Nói thêm về Sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam, bà Hoàng Bạch Dương nhấn mạnh CCTPA được kích hoạt ở Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn. Bên cạnh mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và giúp đạt được cam kết Net zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, CCTPA còn đầu tư nghiên cứu ứng dụng Blockchain cho thị trường carbon, đảm bảo sự minh bạch, tin cậy cao nhất và hiệu quả trong việc quản lý, cấp phát, chuyển giao, tính toán, theo dõi tín chỉ carbon

Ngay tại sự kiện ra mắt, CCTPA đã ký kết hợp tác với Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển, các đơn vị nghiên cứu khoa học, tổ chức tài chính và đơn vị kiểm định quốc tế… cộng hưởng các nguồn lực cùng kiến tạo những giải pháp đột phá, ứng dụng công nghệ xanh giảm phát thải carbon, phối tổ chức các chương trình chuyển đổi xanh, vì mục tiêu Net zero.

CCTPA cũng trao tặng 5.000 cây giống, hưởng ứng sáng kiến "Lấn cát tạo sinh kế" gây quỹ cây giống nha đam tạo sinh kế cho đồng bào Raglai ở Ninh Thuận - một chương trình do Treebank thực hiện, vừa tạo giá trị môi trường, cũng đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho những người còn khó khăn, tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng.

Từ tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bắt đầu thực hiện thí điểm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Mỹ sẽ là thị trường tiếp theo ban hành cơ chế áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu vào nước này vào năm 2024. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều quốc gia, thị trường lớn của châu Mỹ và châu Á tiếp cận theo hướng trên. Đây là xu thế chung trên toàn cầu mà doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng nhanh, hiệu quả để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và tăng khả năng cạnh tranh về lâu dài.

Theo dự thảo Đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam" của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Thị trường carbon sẽ vận hành theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm" phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường thông qua việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon.

Nhà nước thu được ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam có sàn giao dịch tín chỉ Carbon đầu tiên
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.