Băng trôi trên biển ngoài khơi Ny-Alesund, Na Uy, ngày 5/6/2010. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo các nhà khoa học tại Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia (NSIDC) thuộc Đại học Colorado Boulder (Mỹ), hình ảnh vệ tinh ghi nhận hôm 15/9 cho thấy, băng chỉ còn bao phủ 3,74 triệu km2 ở Bắc Băng Dương, mức bao phủ thấp thứ hai sau mức được ghi nhận hồi năm 2012.
Thông thường, vùng biển Bắc Băng Dương thường đóng băng và đến khoảng tháng 3, băng bao phủ hầu như toàn bộ đại dương này với diện tích trên 15,5 triệu km2. Đến mùa Hè, băng ở đây bắt đầu tan chảy, song đến cao điểm vào tháng 9, nhiều lớp băng vẫn còn xuất hiện trên Bắc Băng Dương. Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh được thu thập từ năm 1979 đã cho thấy diện tích băng ở Bắc Băng Dương giảm đáng kể theo thời gian.
Giám đốc NSIDC Mark Serreze nhận định lượng băng bao phủ Bắc Băc Dương đã giảm xuống mức gần thấp kỷ lục, chủ yếu do đợt nóng ở Siberia và các vụ cháy rừng lớn. Với tốc độ tan băng như hiện nay, vùng Bắc Băng Dương đang hướng tới viễn cảnh không còn băng vào mùa Hè.
Không giống như các sông băng tan chảy trên đất liền, các tảng băng trên biển tan chảy không trực tiếp góp phần khiến mực nước biển dâng bởi bản thân những tảng băng này đã ở trên mặt nước. Tuy nhiên, sự thu hẹp lượng băng đồng nghĩa đại dương đại dương hấp thụ nhiệt nhiều hơn, khiến con người có nguy cơ phải hứng chịu nhiều tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.
Hồi đầu tháng này, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp 2 lần so với mức nhiệt trung bình toàn cầu. Phát biểu tại cuộc họp thường kỳ của Liên hợp quốc, người phát ngôn của WMO Clare Nullis đánh giá đây là một “vòng luẩn quẩn”, khi lượng băng giảm nhanh chóng, góp phần làm nhiệt độ tăng thêm, từ đó làm băng tiếp tục tan. WMO nhận định mùa Hè năm 2020 sẽ tác động nghiêm trọng đến băng quyển, đồng thời cảnh báo nguy cơ lũ lụt do sự bùng nổ của các hồ, sông băng trên thế giới.
Hà Châu