Khuyến cáo hành khách
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài vừa có báo cáo gửi CHKVN về sản lượng vận chuyển qua cảng, đặc biệt là sản lượng vận chuyển nội địa tăng mạnh dịp nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương, với khoảng 350 lượt chuyến bay và hơn 65.000 lượt khách (bay quốc nội); đồng thời, dự báo dịp nghỉ Lễ 30/4 – 1/5 đạt 400 lượt chuyến bay và khoảng 75.000 lượt khách quốc nội. Sản lượng bay quốc tế tuy đang ở mức thấp với trung bình, khoảng hơn 100 lượt chuyến bay và 3.600 lượt khách quốc tế/ngày, song đã có những dấu hiệu tăng trưởng kể từ khi Việt Nam mở cửa bầu trời đón khách du lịch quốc tế.
Để nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hàng không, đảm bảo thực hiện chuyến bay an toàn và đúng giờ, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài khuyến cáo hành khách khai báo y tế bằng phần mềm PC-COVID trước khi lên sân bay; chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân; chủ động lên sớm trước giờ bay (cố gắng có mặt trước giờ bay 2 tiếng đối với chuyến bay nội địa, 3 tiếng đối với chuyến bay quốc tế).
Lượng khách qua Sân bay quốc tế Nội Bài dự báo tăng mạnh dịp nghỉ Lễ 30/4 – 1/5.
Thống kê trong năm 2021, trung bình tuần cao điểm 30/4 – 1/5, tính riêng khách nội địa, mỗi ngày Nội Bài đón khoảng 420 lượt chuyến và gần 64.000 lượt khách. Để đảm bảo năng lực khai thác đáp ứng các khung giờ cao điểm, cảng đã rà soát, tính toán năng lực của nhà ga hành khách để điều chỉnh phương án khai thác hiệu quả.
Đến thời điểm này, cảng đã khảo sát nhu cầu của các hãng hàng không và các đơn vị phục vụ mặt đất, làm cơ sở xây dựng phương án phân bổ quầy thủ tục, cửa ra tàu bay và băng tải hành lý, chuẩn bị đủ số lượng quầy dự phòng cho các hãng hàng không tăng chuyến trong thời gian cao điểm. Bên cạnh đó, cảng cũng quyết định mở tối đa 22 máy soi trước mỗi khung giờ cao điểm 1 giờ để đảm bảo lưu thông nhanh nhất và chủ động kiểm soát lượng khách ngay từ các vị trí kiểm soát giấy tờ tùy thân. Mở tất cả các cửa soát vé làn ra/vào sân bay, bố trí tăng cường lực lượng an ninh điều tiết phương tiện từ xa.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng dịch vụ, cảng yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải mặt đất (xe buýt, xe điện, taxi, xe hợp đồng) đảm bảo đủ các phương tiện, đặc biệt đối với các chuyến bay đêm muộn, sáng sớm. Các hành vi vi phạm quy định đều sẽ được xử lý nghiêm như: Thu thẻ vĩnh viễn của lái xe, thu thẻ của phương tiện, chấm dứt hợp đồng nhượng quyền với doanh nghiệp…
Tạo đà phục hồi kinh doanh
Dự báo về lượng hành khách qua Sân bay quốc tế Nội Bài tăng mạnh trong dịp nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương và dịp lễ 30/4 – 1/5 cho thấy người dân đã trở lại trạng thái bình thường mới trong việc phục hồi du lịch, giao thương, thăm thân qua đường hàng không, góp sức cho hàng không hồi phục kinh doanh nhanh.
Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 trong năm 2021, nhưng đến thời điểm này, ngành hàng không bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi nhờ chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, cùng với các quy định phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo khai thác an toàn, bảo vệ sức khỏe cho hành khách và các phi hành đoàn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa công bố đầu tháng 3/2022, thị trường hàng không sẽ phục hồi hoàn toàn, với dự kiến tổng số hành khách sẽ đạt 4 tỷ khách vào năm 2024, vượt giai đoạn trước khi có dịch COVID-19. IATA cũng nhận định, năm 2022 thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi khoảng 93%. Trong đó, kế hoạch phục hồi thị trường nội địa Việt Nam là 96%, cao hơn mức trung bình dự đoán.
CHKVN đưa ra đánh giá, Chính phủ đã quyết định mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ 15/2 để phục hồi giao thương, du lịch và mở cửa du lịch từ 15/3/2022, cũng như các chính sách phòng chống dịch được nới lỏng, đã tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động vận tải hàng khách quốc tế được thông suốt và vận tải hàng khách nội địa được phục hồi, góp phần tăng sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế trong quý I/2022. Nhờ vậy, các hãng hàng không nội địa đã liên tục mở thêm đường bay nội địa, quốc tế và có các lộ trình kế hoạch “bứt tốc”, nhằm nâng cao sức cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới.
Qua tìm hiểu, từ ngày 27/3, Vietnam Airlines đã khai thác 55 đường bay, nhiều hơn 16 đường bay so với năm 2019. Đối với các đường bay quốc tế, hãng đã khôi phục hoàn toàn hoạt động bay thường lệ tới 15 thị trường truyền thống (ngoại trừ Trung Quốc do chính sách mở cửa và Myanmar do bất ổn chính trị)…
Tuy nhiên, ngành hàng không đang gặp không ít khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, tạo áp lực tăng chi phí cho các hãng hàng không khai thác vận chuyển. Để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch, đại diện các hãng hàng không nội địa cho rằng, việc khôi phục, củng cố “sức khỏe tài chính” và năng lực cạnh tranh là hết sức cần thiết và tiếp tục cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành.
Các hãng đều đề nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3 – 5 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường; điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (hiện nay 7%)…
Như Ngọc