Theo trang AFP dẫn lời ông Glen Peters, Giám đốc trung tâm nghiên cứu môi trường và khí hậu quốc tế Oslo (Na Uy), nhấn mạnh lượng phát thải carbon toàn cầu năm nay nên giảm khoảng 5%. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ông Glen Peters, lượng phát thải vẫn đang tăng lên, dự kiến sẽ tăng từ 0,5-1,5% trong năm nay.
Các chuyên gia khí hậu cho rằng, cần phải giảm gần một nửa mức ô nhiễm carbon trong 10 năm tới mới có thể thực hiện mục tiêu hạn chế toàn cầu nóng lên và tránh các hiện tượng thời tiết thảm khốc.
Lượng phát thải carbon không ngừng tăng lên khiến cho việc thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trở nên khó khăn hơn.
Kết quả nghiên cứu sau cùng sẽ được công bố vào tháng 12 tới, khi lãnh đạo các nước sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), với nội dung chủ yếu là tương lai của nhiên liệu hóa thạch.
Đầu năm nay, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết do sự phát triển đáng kinh ngạc của công nghệ năng lượng sạch và ô tô điện, dự kiến nhu cầu của thế giới đối với dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này.
Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo, trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau dịch bệnh và khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine gây nên, việc tăng cường đầu tư vào năng lượng hóa thạch và tình hình phát thải ở mức cao kéo dài đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Năng lượng sạch nên bắt đầu thay thế nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề đáng quan ngại là thế giới chỉ đang làm "nửa vời", nghĩa là phát triển năng lượng sạch, nhưng lại không làm tốt phần việc còn lại là tránh xa nhiên liệu hóa thạch.