Lý giải ý kiến của chuyên gia về đề xuất thuế xăng dầu cần từ 10.000 – 20.000 đồng/lít

Theo Dantri|25/05/2018 01:23
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường, một chuyên gia nhận định, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000 – 20.000 đồng/lít.

Ảnh minh họa

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính mới đây cho biết, tại cuộc hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường tổ chức năm 2017, TS. Huỳnh Thế Du – Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã nhận định, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000 – 20.000 đồng/lít.

“Nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ) thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000 – 20.000 đồng/lít”, bà Hằng dẫn lại đề xuất của ông Du cho biết.

Ngay sau khi thông tin này được lan truyền rộng rãi đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng. Theo đại đa số người dân, ý kiến tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000 – 20.000 đồng/lít là quá cao, không thể ứng dụng vào thực tế.

Phản hồi lại thông tin trên, chia sẻ trên trang viết cá nhân, TS. Huỳnh Thế Du cho biết: “Phát biểu chi phí ngoại tác của xăng từ 10.000 – 20.000 đồng/lít của tôi là có nhưng việc không gắn vào bối cảnh của toàn bộ câu chuyện dường như đã gây hiểu nhầm”.

Cụ thể, con số được ông đưa ra dựa trên hai nghiên cứu của Ian Parry (2010) ước tính ngoại tác là 1,65 USD/gallon, tương đương khoảng 10.000 đồng/lít. Và một nghiên cứu của Drew Shindell (2015) chi phí ngoại tác là 3,8 USD/gallon, tương đương khoảng 20.000 đồng/lít.

“Lúc đó tôi có phát biểu đại ý rằng (tôi không nhớ chính xác từng câu chữ) các chi phí ngoại tác chủ yếu là môi trường và sức khỏe nên chúng có thể so sánh giữa các nước phần nào đó.

Giả sử chi phí này của Việt Nam tương tự như ở Mỹ thì tính ra ở thời điểm hiện tại từ 10.000-20.000 đồng/lít. Nếu tính cụ thể thì ở Việt Nam có thể thấp hơn, nhưng so với 4.000 đồng/lít thì chưa biết thế nào. Muốn biết cụ thể thì cần phải có nghiên cứu và tính toán cụ thể”, ông Du cho biết.

TS. Huỳnh Thế Du cũng khẳng định, tại thời điểm đó, ông cũng đã nêu ra những trục trặc của dự thảo lúc đó bao gồm việc đưa ra các lập luận chưa được dựa trên các cơ sở nền tảng của thuế khóa do vậy khó có thể bảo vệ.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, dự thảo chưa có các nghiên cứu bài bản về tác động của các loại thuế nói chung, thuế bảo vệ môi trường nói riêng. Do vậy, điều này tạo ra cảm giác cho công chúng thấy rằng nguyên nhân của việc tăng thuế nằm ở chỗ khác.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng, các giải trình về việc sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường là chưa thực sự thuyết phục.

“Nếu vì mục tiêu tạo nguồn thu chung cho ngân sách thì không nên dùng tên gọi là thuế bảo vệ môi trường mà có thể dùng các loại tên khác như tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giảm thiểu ngoại tác”, ông cho biết.

Vị chuyên gia cũng cho biết, ông có đưa ra các khuyến nghị về việc hạn chế đến mức có thể sự bất mãn của người dân. Đồng thời, cần có cơ sở quyết định việc xác định các nguồn thu và các mức thu dựa trên các nguyên tắc cơ bản.

“Về ý nghĩa kinh tế và khía cạnh kỹ thuật thì có thể tăng thuế đối với xăng dầu, nhưng về mặt tâm lý người dân và cảm nhận của công chúng sẽ rất bất lợi. Do vậy, các cơ quan chức năng cần hết sức cân nhắc. Giải pháp nòng cốt vẫn là chi tiêu hiệu quả và đảm bảo minh bạch”, ông cho biết thêm.

Theo Dantri


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lý giải ý kiến của chuyên gia về đề xuất thuế xăng dầu cần từ 10.000 – 20.000 đồng/lít
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.