Mách nhỏ những cách bảo quản thực phẩm ngày Tết

Hân Hân|13/02/2018 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ngày Tết tủ lạnh luôn trong tình trạng quá tải, thực phẩm dự trữ rất nhiều. Vậy phải làm sao để bảo quản thực phẩm ngày Tết để có những bữa tiệc ngon miệng và đảm bảo sức khỏe, đó là nỗi niềm của nhiều bà nội trợ trong dịp Tết.

Bánh chưng

Bánh chưng là một trong những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên dịp Tết. Để bảo quản bánh chưng, sau khi luộc bánh xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa và để ráo. Sau đó, phải ép bánh để cho bánh rền hơn. Khi hoàn thành công đoạn ép bánh, nên để bánh chưng ở nơi khô ráo, thoáng mát để tránh bị mốc.

Giò chả

Ông cha ta có câu “Giò, nem, ninh, mọc” đó là “bộ tứ” món ăn không thể thiếu trong mâm cổ Tết truyền thống. Vậy phải làm sao để bảo quản giò trong những Tết?

Để bảo quản giò cần phải bỏ hết lớp vỏ gói bên ngoài để tránh đổ mồ hôi vì nếu đổ mồ hôi giò sẽ nhanh bị ôi thiu. Nên bảo quản giò trong 2 ngày nếu chưa sử dụng thì nên luộc lại. Tốt nhất các bà nội chợ nên cân đối, mua với số lượng đủ dùng để bảo quản tốt và tránh lãng phí.

Dưa hành

“Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Dưa hành là món ăn đặc trưng của người miền Bắc. Thứ nhất, khi sơ chế hành các bà nội trợ nên nhớ khi cắt gốc không cắt vào phần củ. Thứ hai, phải rửa sạch và phải để thật ráo nước để tránh bị hỏng khi muối. Thứ ba, khi muối hành nên cho lượng muối vừa đủ để tránh bị váng.

Măng khô

Đối với măng khô, các bà nội trợ cần luộc măng trong khoảng 30 phút để cho măng mềm. Sau đó, rửa sạch và cắt bỏ phần gốc già. Ngâm măng trong nước đun sôi để nguội. Chú ý 2 – 3 ngày phải thay nước một lần.

Rau, củ tươi

Mỗi loại rau, củ có cách bảo quản riêng và ưa những điều kiện ẩm khác nhau, do đó không nên để chung tất cả trong cùng một bọc hoặc một ngăn đựng rồi cho vào tủ lạnh. Vì vậy, các bà nội trợ cần phải phân loại rau, củ, quả tươi để bảo quản được lâu hơn.

Cách bảo quản rau, củ tươi trong tủ lạnh là lựa chọn thông minh. Tuy nhiên, tủ lạnh có thể làm mát rau nhưng lại hút ẩm nên rau không hấp thu đủ độ ẩm cần thiết. Vì thế các loại rau lá như: cải thìa, xà lách, cải cúc, rau mùi (ngò)… thường dễ bị héo. Giải pháp cho vấn đề này là để rau vào một túi bóng với chiếc khăn giấy ướt trước khi cho vào tủ để rau hút ẩm và tươi lâu.

Thịt sống

Các loại thịt tươi sống khi mua về cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Cần làm sạch trước khi cho những thực phẩm này vào hộp sau đó nắp kín và cất vào ngăn đá. Khi cần chế biến món ăn nào thì lấy ra rã đông và sử dụng.

Dù muốn cho thịt vào ngăn mát hay ngăn đông trong tủ lạnh, bạn cũng cần phải bao bọc thịt kỹ để giữ được độ tươi ngon và bảo vệ thịt không bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Màng nhựa bọc thực phẩm hoặc giấy bạc vẫn thường được sử dụng để bọc kín các loại thịt. Tuy nhiên, nếu cho thịt vào ngăn đông, bạn cần bọc thịt thật nhiều lớp để ngăn cho chúng không bị đông cứng quá mức, mất nước và thay đổi màu sắc, mùi vị. Khi bao bọc thịt, cần chú ý bọc thật chặt, tránh không cho không khí lọt vào bên trong để miếng thịt không có nhiều lớp đá bám vào.

Khi để thịt trong ngăn mát, cần giữ cho nhiệt độ của tủ lạnh ở mức khoảng 2 độ C. Đối với ngăn đông, nhiệt độ phải xấp xỉ ở mức -25 độ C. Phải luôn nhớ kiểm tra nhiệt độ thường xuyên để đảm bảo thịt luôn tươi.

Thông thường, những phần thịt được giữ lạnh chỉ có thể dùng trong vòng từ 1 đến 4 ngày.

Thực phẩm chín

Các loại thực phẩm sau khi đã nấu chín, nếu muốn bảo quản phải để nguội rồi mới cho vào tủ lạnh. Nguyên nhân là do nếu cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước, gây hại đến các thực phẩm khác và tác động không tốt cho sức khỏe khi ăn. Các bạn nên cho vào hộp kín và đậy nắp lại để tránh bị ảnh hưởng từ các thực phẩm sống.

Hân Hân


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mách nhỏ những cách bảo quản thực phẩm ngày Tết