(Moitruong.net.vn) – Thiếu an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy đang là nỗi ám ảnh đối với người dân đang sinh sống tại các chung cư, đặc biệt sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại chung cư Carina Plaza cướp đi sinh mạng của 13 người.
>>>TP.HCM: Cháy lớn tại chung cư cao cấp khiến ít nhất 13 người thiệt mạng
Hiện trường vụ cháy chung cư Carina Plaza tại Tp. Hồ Chí Minh khiến 13 người thiệt mạng
Người dân cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng và đau xót về sự ra đi vĩnh viễn của 13 nạn nhân trong vụ cháy tại chung cư Carina (Tp. Hồ Chí Minh). Đó là chưa kể đến số người bị thương và thiêt hại tài sản khá lớn vẫn chưa thống kê một cách cụ thể và thời gian khắc phục đòi hỏi thời giạn rất lâu dài.
Vào khoảng 10h sáng ngày 25/3, một căn hộ tầng 21, toà chung cư CT5A, thuộc KĐT Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ xảy ra hỏa hoạn. Nhiều cư dân hoảng loạn bồng bế con chạy khỏi đám cháy.
Gần đây nhất, vào khoảng 18h ngày 1/4, tại tầng 8, chung cư Parc Spring (đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2, Tp. Hồ Chí Minh) đã xảy ra hỏa hoạn. Được biết, chung cư Parc Spring vừa mới tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy một ngày trước khi xảy ra vụ cháy.
Hiện trường vụ cháy chung cư Parc Spring (đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2, Tp. Hồ Chí Minh) chiều ngày 1/4
Liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn tại chung cư, tuy nhiên công tác phòng cháy chữa cháy còn bị xem nhẹ nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khi xảy ra tai nạn, sự cố về cháy, nổ là điều rất dễ xảy ra. Về nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng đa phần là do chập điện; sử dụng thiết bị kém an toàn…
Khách quan để nói rằng: ngoài lỗi vi phạm từ nhà đầu tư, nhà quản lý như lắp đặt các thiết bị PCCC không đạt chuẩn; không tổ chức tốt lực lượng làm nhiệm vụ PCCC… phải kể đến sự quản lý lỏng lẽo của cơ quan quản lý mà trường hợp cụ thể là hệ thống PCCC của chung cư Carina Plaza đã được kiểm tra đến 22 lần nhưng được ngành quản lý đánh giá “đạt chuẩn”.
Khi bàn đến câu chuyện phòng cháy chữa cháy, không thể không nhắc đến ý thức của người dân, phần lớn người dân chưa quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy. Ý thức của người dân trong việc chấp hành phòng cháy chữa cháy còn thấp.
Sau hàng loạt vụ cháy lớn, nhỏ, ngay lập tức các cơ quan quản lý chung cư nhanh chóng triển khai các phương án kiểm tra, xử phạt các đơn vị vi phạm; thậm chí buộc ngưng hoạt động các chung cư không đủ tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy ( PCCC) theo luật định. Không chỉ có các chung cư là tầm ngấm, là đối tượng của các đợt kiểm tra mà các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại cũng đã rơi vào tình trạng tương tự.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay có gần 1.000 chung cư, nhà cao tầng. Đáng lo ngại, trong số đó còn hàng trăm chung cư chưa đảm bảo an toàn PCCC. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn, hàng chục ngàn sinh mạng con người từng từng ngày, từng giờ đang bị “bà hỏa” đe dọa nhưng không biết phải đi đâu, về đâu; không biết phải kêu cứu cơ quan chức năng nào giải quyết.
Người dân Tp. Hồ Chí Minh không thể quên vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) vào năm 2002 khiến 60 người tử vong, 70 người bị thương, thiệt hại hơn 32 tỉ đồng. Sau 16 năm, là thảm họa tại chung cư Carina Plaza.
Người dân đã quá quen thuộc và lo lắng, thậm chí hoài nghi những lời phát biểu của lãnh đạo các cấp như “Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm PCCC”; “Nơi nào xảy ra cháy nổ thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm”; “ Kiên quyết dừng hoạt động các dự án không đảm bảo PCCC”…
Tuy nhiên cái mà người dân đang sống tại các chung cư mong chờ là việc đảm bảo tuyệt đối an toàn không xảy ra cháy nổ với bất kỳ hình thức nào. Họ không mong chờ những cuộc diễn tập PCCC rất thành công và “đẹp như mơ”; không mong chờ những lời xin lỗi “chân thành”, những cái cúi đầu “ mặc niệm” của những chủ đầu tư khi cháy nổ xảy ra. Ông bà xưa đã dạy cháu con “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng” nhưng xem ra vẫn còn một số nơi “Đã mất bò nhưng chuyện làm chuồng” vẫn còn xa vời vợi.
Phan Thị Anh Thư