Dải phân cách khu vực giữa cầu bằng hai vạch sơn liền màu vàng bị mòn. Các đoạn mới thảm nhựa được hơn một tháng cũng xuất hiện ổ gà nhỏ và vệt lún bánh xe.
Một số đoạn mới thảm lại mặt đường đã bị dồn ứ nhựa đường cao tới 20 cm.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng hư hỏng chủ yếu do bê tông nhựa trượt trên mặt bản thép, xô dồn, nứt ngang mặt cầu dạng parabol; dính bám giữa các lớp bê tông nhựa với bản mặt thép không đảm bảo yêu cầu…
4 trong 8 khe co giãn ở khu vực giữa cầu bị hư hỏng và được che tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông. Ô tô chạy qua đây thường phải giảm tốc độ và tạo ra những tiếng động lớn.
Ngày 12/8, sau khi thị sát cầu Thăng Long, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng việc sửa chữa mặt cầu là yêu cầu cấp thiết.
Ông giao các đơn vị liên quan hoàn thành các thủ tục trong năm 2019, đầu năm 2020 tiến hành thi công sửa chữa. “Đợt sửa chữa lần này phải làm triệt để, chất lượng đảm bảo. Trong hồ sơ mời thầu phải ghi rõ các điều khoản ràng buộc như: Chất lượng công trình đảm bảo tối thiểu 10 năm, nhà thầu phải chịu trách nhiệm duy tu…”, ông Thể nói.
Cầu Thăng Long cao 2 tầng, dài hơn 3 km, bắc qua sông Hồng và nằm trên đường Phạm Văn Đồng nối sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm Hà Nội.
Sau hơn 30 năm sử dụng, cầu đã trải qua hàng chục lần sửa chữa và hai lần đại tu với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đợt đại tu gần đây nhất vào năm 2013 theo công nghệ của Mỹ, trước đó là đợt đại tu năm 2009 theo công nghệ trong nước. Từ năm 2016 đến nay, Tổng cục Đường bộ thường xuyên duy tu, vá cục bộ các vị trí hư hỏng trên mặt cầu để đảm bảo an toàn giao thông với kinh phí hàng năm từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, bề mặt cầu nhìn từ trên cao có cả trăm “miếng vá” lớn nhỏ, rộng nhất lên tới vài chục mét vuông.
An Nhiên (T/h)