Nguy cơ tử vong cao
Tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận 2 bệnh nhân cùng ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, đó là anh H và anh G được chuyển đến trong tình trạng gầy, suy kiệt, đau dữ dội các cơ, không thể nuốt được, nói khó khăn. Kết quả xét nghiệm, các bác sĩ đã phát hiện hai bệnh nhân bị nhiễm giun xoắn. Dù được điều trị theo phác đồ đặc hiệu và chăm sóc tích cực nhưng sau 2 ngày, bệnh nhân H đã không qua khỏi. Còn bệnh nhân G may mắn qua cơn nguy kịch.
Trước khi nhập viện, 2 bệnh nhân cùng giết thịt một con lợn bệnh, sau đó chế biến tiết canh và các món thịt tái khác. Sau khoảng 5 ngày, 6 người trong bữa ăn đó xuất hiện đau bụng, đau cơ, tiêu chảy và sốt. Những người này được đưa đến BV trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Sau một tuần điều trị, bệnh nhân H và G diễn biến nặng nên được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương…
Thêm một trường hợp nữa, bệnh nhân Lô Văn S. (38 tuổi, ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) xuất hiện những cơn đau đầu triền miên, uống thuốc giảm đau cũng không hiệu quả. Không chỉ vậy, bệnh nhân còn bị sốt, tê yếu nửa người, tri giác chậm, sau đó được người nhà đưa vào viện cấp cứu. Kết quả chụp CT não của bệnh nhân cho thấy, có 5 ổ sán nằm rải rác trong não, trong đó có một ổ sán lớn gây phù não. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bệnh nhân S. “nghiện” món tiết canh.
Một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương do sử dụng thực phẩm chưa nấu chín.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, tình trạng nhiễm bệnh như các bệnh nhân nêu trên rất phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do tập quán ăn uống, sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với những loại thịt sống nhiễm giun sán, vi khuẩn, nếu không được nấu chín kỹ, ấu trùng giun sán, hay vi khuẩn sẽ theo đường tiêu hóa rồi sống trong dạ dày và ruột non.
Sau 24h, những ấu trùng này trưởng thành và ký sinh trong niêm mạc ruột, gây ra những vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe. Hơn thế, chỉ trong ít ngày tiếp theo, vi khuẩn, giun sán sẽ sinh sôi, tạo kén, xâm nhập vào hệ tuần hoàn, cơ hoành và các tổ chức cơ làm hại cơ thể.
Không chỉ nhiễm giun sán, khi ăn thịt tái, sống, tiết canh còn có nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Theo khảo sát của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, hoặc do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lưu ý, liên cầu khuẩn lợn là bệnh từ động vật lây sang người do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus suis) gây ra. Khi mắc liên cầu khuẩn lợn, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Không nên ăn tiết canh, thịt tái, sống
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo, thói quen ăn trứng sống hoặc chín tái đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguyên nhân là đường sinh dục của gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài trứng gà đều có thể nhiễm khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc… Hay với món ốc luộc, nếu chưa chín kỹ dễ bị nhiễm ký sinh trùng và nguy cơ cao mắc các bệnh về tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, phù nề chân tay hoặc các bệnh nguy hiểm khác. Bởi ốc sống trong môi trường bùn sâu, thường chứa rất nhiều loại ký sinh trùng có hại cho cơ thể…
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), nhiều người có thói quen ăn gỏi cũng nên thận trọng. Bản chất những thực phẩm như thịt, cá, tôm được nuôi trồng trong môi trường sạch thì hoàn toàn có thể ăn tái, sống được. Tuy nhiên, đối với điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay, quy trình nuôi trồng, giết mổ, việc bảo quản, chế biến ở một số nơi không bảo đảm nên dễ nhiễm ký sinh trùng và vi khuẩn. Nếu chúng ta ăn gỏi, hay nhúng thịt sơ qua nước sôi và sử dụng thì những loại ký sinh trùng này dễ đi vào cơ thể gây bệnh. Trong đó, phổ biến nhất là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, lỵ, ngộ độc thực phẩm. Nghiêm trọng hơn có thể bị nhiễm sán lá gan, sán lá phổi, cúm gia cầm…
Cách phòng tránh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn và giun xoắn, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Ngoài ra, khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn cần sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác… Không ăn, chế biến thịt lợn có dấu hiệu hư hỏng, hoặc bị bệnh. Đặc biệt, không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, như: Sốt cao đột ngột, mệt mỏi, tiêu chảy, đau cơ… và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Tú Anh (t/h)