Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có một cây gạo, sừng sững giữa đồng, hay nép mình nơi cổng làng. Theo thời gian, những cây gạo nghìn năm tuổi đã chứng kiến sự thăng trầm của từng ngôi làng qua nhiều thế kỷ và gắn bó với tuổi thơ của biết bao người.
Chính vì án ngữ ở vị trí đắc địa nên cây gạo giống như cột mốc, một nỗi nhớ khôn nguôi của những người xa quê. Cây gạo cứ đứng đó cả vài trăm năm, bền gan với thời gian như một nhân chứng cho mọi sự diễn ra trong làng.
Cây gạo gắn bó với tuổi thơ của biết bao người.
Mỗi dịp tháng 3, cây gạo ra hoa khoe sắc thắm. Giờ đây thân cây trơ trọi đã không còn cô đơn nữa mà khoác lên mình lớp áo mới với sắc đỏ nồng nàn. Màu đỏ của hoa càng trở nên nổi bật khi được màu xám trầm của thân cây làm nền. Hoa gạo khi nở có kích thước lớn, gồm năm cánh, cánh hoa uốn cong nhẹ nhàng ra bên ngoài, đỏ mọng như cánh môi thiếu nữ. Nhụy hoa mỏng manh nhưng thẳng tắp, trên đầu có chấm đỏ như những tia lửa sắp sửa bùng cháy.
Đến khi vào mùa, hoa trổ đầy cành, nhìn từ xa giống như những đốm lửa rực rỡ tràn đầy sức sống làm bật lên khung cảnh làng quê yên bình. Chỉ cần ngắm nhìn những bông hoa gạo khoe sắc thắm kia tâm trạng của bạn dù có buồn đến đâu cũng bị vẻ đẹp hoa gạo chinh phục khiến lòng người chẳng mấy chốc trở nên rạo rực vui vẻ.
Những bông hoa gạo vẫn biết đó là loài hoa của miền quê mang một vẻ đẹp thật thà, dung dị, không hề kiêu sa mỹ miều như nhiều loài hoa khác nhưng nó lại có được một sức hút đặc biệt đến kì lạ. Chẳng ai có thể làm ngơ được trước vẻ đẹp rực rỡ của hoa gạo. Màu sắc đỏ rực bừng sáng cả một khoảng trời mùa hạ khiến lòng người bồi hồi mê đắm. Có hay chăng, trên hành trình bươn chải của mỗi con người, bỗng một ngày bạn nhìn thấy cây gạo ở đâu đó thì nỗi nhớ về ngày xưa, về ngày còn chân đất lấm lem, về thuở chăn trâu cùng lũ bạn…sẽ hiện về vừa sâu lắng, vừa da diết khôn nguôi.
Thanh Trà