Theo đó, chỉ trong các ngày từ 20 đến 26-6, ở khu vực Bắc Bộ, mưa lũ đã làm 1 người chết (tỉnh Bắc Kạn), 1 người mất tích (tỉnh Lạng Sơn).
Xét về thiệt hại tài sản, nhiều tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều do mưa lũ và sạt lở gây ra như tỉnh Bắc Kạn đang ngập ở nhiều tuyến đường; khoảng 1,2 héc-ta cây trồng bạch đàn bị vùi lấp do sạt lở; ao nuôi thủy sản mất trắng… Ở Bắc Giang, mưa lớn, sạt lở đất cũng làm hư hỏng khoảng 40 căn nhà. Lạng Sơn xảy ra tình trạng ngập úng, làm hư hại hơn 360 héc-ta diện tích lúa, hoa màu.
Nhiều công trình giao thông nông thôn, tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ ở Cao Bằng bị sạt lở đất đá, taluy, nứt nền, mặt đường bị xói, bong tróc. Chẳng hạn như tuyến quốc lộ 4A bị sạt lở taluy dương, quốc lộ 34 bị sạt lở đất, đá. Mưa lớn cũng làm 3 tuyến kênh mương bị vùi lấp.
Tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), mưa lớn cũng làm nhiều khu vực ngập cục bộ, hàng loạt cây xanh trên địa bàn bị đổ, ảnh hưởng giao thông.
Ngoài ra, ở Sóc Trăng, tuyến kênh Rạch Mọp cũng xảy ra hai vụ sạt lở với chiều dài hơn 110m, lấn sâu vào đất liền từ 15-23m. Tại Vàm sông Rạch Mọp (giáp sông Hậu) cũng sạt lở với chiều dài 40m, làm 3 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sống. Ước tính thiệt hại gần 2 tỉ đồng.
Địa bàn xã Hòa Tịnh (tỉnh Vĩnh Long) cũng bị sạt lở bờ sông khiến một đoạn kè kiên cố, 3 căn nhà với 15 hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Hôm 27-6 vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với đoạn sạt lở bờ bắc kênh Rạch Giá – Long Xuyên (xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên). Theo đó, đoạn sạt lở với chiều dài hơn 300m, tính từ trung tâm vị trí sạt lở lên thượng nguồn 60m hướng về phường Bình Khánh và về hạ nguồn 240m qua văn phòng ấp Bình Hòa.