Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh, cảnh báo ngập lụt ở các vùng trũng thấp
Trung tâm Khí tượng Thủy văn dự báo, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, đến ngày 04-06/10/2024, mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu, Châu Đốc có khả năng lên trên mức báo động 1 từ 0,1-0,25m, sau đó biến đổi chậm.
Theo đó, nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, gây ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn đưa ra lưu ý, người dân sống tại những khu vực này cần đặc biệt cảnh giác với tình trạng sạt lở bờ bao và đê bao yếu, đồng thời có kế hoạch di dời và bảo vệ tài sản kịp thời để tránh thiệt hại.
Đặc biệt, những khu vực hạ nguồn sông Cửu Long có nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng, cần đề phòng và tuân thủ mọi chỉ dẫn từ cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn.
Ngoài nguy cơ ngập lụt, người dân cần chú ý đến tình trạng sạt lở đất, nhất là ở các bờ bao và đê bao yếu. Nước lũ dâng cao kết hợp với mưa lớn sẽ làm suy yếu kết cấu đất dễ dẫn đến hiện tượng sụt lún và sạt lở, gây nguy hiểm cho những khu vực dân cư gần sông và đê bao.
Trước dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025 đạt thắng lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2024-2025. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, triều cường, nguồn nước trong và ngoài hệ thống cống, đảm bảo phân phối nước hợp lý, hiệu quả; theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, thường xuyên cập nhật bản tin thời tiết để có phương án kịp thời đối với lúa vụ Hè Thu sắp thu hoạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị các địa phương bố trí thời vụ sản xuất lúa cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi; đồng thời xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng tiểu vùng, từng cánh đồng một cách đồng loạt; chỉ đạo gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 thích ứng linh hoạt hợp lý với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ và từng vùng bị tác động xâm nhập mặn theo khung lịch thời vụ gieo sạ chung cho toàn tỉnh. Các địa phương tập trung chỉ đạo, rà soát và thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, các bản tin nông vụ, dự báo tình hình sản xuất tiêu thụ lúa gạo để có chỉ đạo kịp thời.
Tại Tiền Giang, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các huyện đầu nguồn sông Tiền là Cai Lậy và Cái Bè triển khai các giải pháp ứng phó ngập lụt mưa lũ... nhằm bảo vệ sản xuất cũng như an toàn tính mạng, tài sản của người dân theo phương châm "4 tại chỗ". Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu ngành chức năng các địa phương chủ động rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra: mưa bão, lũ lụt, triều cường, sạt lở đất... Khẩn trương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát lại hệ thống đê bao, bờ bao, khu vực thấp, trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa lũ, triều cường.
Cùng với đó, tiến hành gia cố, nâng cấp đê bao, bờ bao xuống cấp, trũng, thấp để bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái, đặc biệt những cây có giá trị kinh tế cao. Gia cố, bảo vệ ao nuôi thủy sản, thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch. Các tổ chức, cộng đồng và người dân chủ động phòng tránh, ứng phó với dông, lốc, sét, mưa lớn, triều cường, sạt lở có thể xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại.