Mực nước sông Mekong giảm mạnh do đập thủy điện Trung Quốc tích nước

Khánh Linh|01/06/2021 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mực nước sông Mekong tại Thái Lan giảm mạnh trong ngày 31/5, sau khi một đập thủy điện của Trung Quốc tại thượng nguồn bắt đầu tích nước.

Ngày 31/5, báo Bangkok Post của Thái Lan đưa tin, mực nước sông Mekong ở huyện Chiang Saen, thuộc tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) dự kiến ​​sẽ giảm khoảng 1,3m trong ngày 31/5, do một con đập ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc giảm tốc độ xả vào tuần trước.

Cụ thể, theo cảnh báo hôm 29/5 của Mekong Dam Monitor, một mạng lưới giám sát sông Mekong trực tuyến, các cộng đồng ở hạ du đập Cảnh Hồng (Jinghong) nên chuẩn bị cho tình trạng mực nước giảm sâu tới 1,3m vào ngày 31/5.

Sông Mê Kông tại một đoạn chảy qua Thái Lan

Trung tâm Chỉ huy Nước Quốc gia Thái Lan (NWCC) cũng đưa ra thông báo tương tự, trong đó nhấn mạnh mực nước trên sông Mekong giảm do đập Trung Quốc 30% lưu lượng xả nước.

Theo đó, tốc độ xả nước của đập Cảnh Hồng giảm từ 2.525 m3/s xuống còn 1.854 m3/s trong hai ngày 28 và 29/5.

Trước đó, vào tháng 2, Ủy hội Sông Mekong (MRC) cảnh báo mực nước trên sông Mekong giảm xuống “mức đáng lo ngại”, cũng do hoạt động của đập thủy điện Cảnh Hồng.

Đập này xả ra lượng nước khoảng 1.400 m3/s vào giữa tháng 1, song đã giảm lưu lượng xuống còn chỉ 800 m3/s vào giữa tháng 2, theo MRC.

Việc thay đổi mực nước bất thường đe dọa nghiêm trọng đến kế sinh nhai của hơn 70 triệu người ở khu vực hạ nguồn sông Mekong, khi nó ảnh hưởng lớn đến đàn cá di cư, nông nghiệp và vận tải đường thủy.

Trong khi đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam trong bản tin tuần dự báo nguồn nước từ ngày 28/5 đến ngày 4/6 đã dự báo tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2020-2021.

Theo đó, nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió Chướng. Vì vậy, các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn.

Viện cũng đưa ra khuyến cáo cho từng vùng, cụ thể:

Vùng thượng ĐBSCL: nguồn nước đảm bảo cho sản xuất. Tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên đề phòng hạn ở các vùng này.

Vùng giữa ĐBSCL: Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần. Khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.

Vùng ven biển ĐBSCL: xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao trong tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 5, 6. Chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt. Kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất giảm thiểu thiệt hại mặn.

Khánh Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mực nước sông Mekong giảm mạnh do đập thủy điện Trung Quốc tích nước
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.