Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo, phạm vi xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 80-90 km, sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 60-65 km, sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 68-75 km, sông Hậu là 57-65 km, sông Cái Lớn 50-55 km…
Trong tháng 3 các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn xâm nhập mặn giảm dần. Từ ngày 9-14/4 và từ 24-28/4, xâm nhập mặn gia tăng sau giảm dần.
Ảnh minh họa
Theo dự báo, thượng nguồn sông Mekong và khu vực Nam Bộ tiếp tục phổ biến không mưa, ngày nắng mạnh. Nhiệt độ cao nhất lên tới 31-34 độ C, riêng miền Đông Nam Bộ có nơi trên 35 độ C, trời nắng nóng. Chỉ số cực đại của tia cực tím (UV) ở Trung Bộ và Nam Bộ trong những ngày tới ở mức cao đến rất cao, riêng TPHCM, Cần Thơ, Cà Mau ở mức 10 (nguy cơ gây hại rất cao, cần tránh ra đường vào buổi trưa).
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 biến đổi theo triều và ở mức tương đương TBNN. Từ tháng 6 đến tháng 8, mực nước sông Mekong lên dần và ở mức tương đương với TBNN; mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế lên dần và ở mức thấp hơn TBNN từ 0,1-0,2 m.
Dự báo, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo để có các biện pháp chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Các chuyên gia dự báo khuyến cáo, trong đợt mặn cao điểm từ 1- 3/3/2021, các địa phương cần hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.
Mai Linh