Sau 32 tháng thi công, mũi khoan cuối cùng thông hầm Hải Vân 2 vừa hoàn tất. Công trình hầm Hải Vân 2 dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 10/2019, sau đó sẽ hoàn thành xây dựng tổng thể và đưa vào khai thác vào cuối năm 2020.
Để giảm áp lực cho hầm Hải Vân 1, tháng 4/2016 lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đồng ý cho Công ty CP Đèo Cả triển khai dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 (song song với Hải Vân 1).
Hầm đường bộ Hải Vân 2 có trục thiết kế chạy song song với hầm Hải Vân 1. Hai hầm cách nhau 30m, chiều rộng đường hầm Hải Vân 2 là 8,5m, gồm 2 làn xe. Hầm Hải Vân 1 và 2 được xem là hai hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Thông hầm đường bộ 7.200 tỷ dài nhất Đông Nam Á. (Ảnh: Zing)
Năm 2016, Bộ GTVT phê duyệt dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2, triển khai tại trục đường lánh nạn hầm đường bộ Hải Vân, biến nơi đây thành tuyến hầm chính song song với hầm Hải Vân 1 hiện nay.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đèo Cả, cho biết đầu tháng 10 vừa qua những mũi khoan cuối cùng đã thông hầm Hải Vân 2. “Việc thông hầm đánh dấu mốc quan trọng của ngành giao thông vì đây là công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, do người Việt làm chủ hoàn toàn công nghệ thi công”, ông Đông nói.
“Trên công trường hầm Hải Vân 2, chúng tôi đang huy động nhiều mũi thi công, làm 3 ca cả ngày lẫn đêm để đưa dự án hoàn thành đúng hẹn cuối năm 2020”, ông Đông cho biết.
Phía bắc hầm Hải Vân, tuyến đường dẫn nối từ thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên – Huế) và các cầu cũng đã hoàn thành hơn 95% khối lượng. Tại gói thầu cầu Hải Vân, đơn vị thi công đã hoàn thành việc đúc dầm và cọc khoan nhồi, mố trụ. Đến nay, đơn vị thi công đã lao 23/26 nhịp dầm.
Hạng mục hầm đường bộ Hải Vân 2 lúc triển khai thi công.
Công trình có tổng chiều dài hơn 12,6km, gồm đường dẫn phía bắc (thuộc thị trấn Lăng Cô, TT-Huế) dài 2,1km, đường dẫn phía nam (thuộc Đà Nẵng) dài 4,3km; riêng tuyến đường hầm xuyên qua núi Hải Vân dài hơn 6,2km; với tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng. Dự án do Cty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Ngọc Linh (t/h)