Ông Ivan Rudik, Trường Kinh tế và Quản lý Ứng dụng Dyson của Đại học Cornell, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lợi ích của các quy định về môi trường có thể bị đánh giá thấp. Giảm ô nhiễm có những tác động tích cực không mong đợi và cung cấp đòn bẩy chính sách bổ sung cho các nỗ lực bảo tồn”.
Khí ozone gồm 3 nguyên tử oxy (O3). Hàm lượng khí ozone trong không khí rất thấp, chiếm một phần triệu, chỉ ở độ cao 25 – 30 km trong tầng bình lưu, khí ozone mới đậm đặc (chiếm tỉ lệ 1/100.000 trong khí quyển) hình thành một lớp không khí giàu khí ozone, thường được gọi là tầng ozone. Nó có thể có tác dụng tốt hoặc xấu. Một lớp ozone ở tầng trên của bầu khí quyển bảo vệ Trái đất khỏi tia cực tím có hại của mặt trời. Nhưng ozone ở tầng mặt đất lại nguy hiểm và là chất ô nhiễm chính trong khói.
Ô nhiễm khí ozone từ các nhà máy đã gây hại cho loài chim
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi những thay đổi hàng tháng về lượng chim, chất lượng không khí và tình trạng quy định của 3.214 quận của Mỹ trong khoảng thời gian 15 năm. Nhóm nghiên cứu tập trung vào Chương trình Giao dịch ngân sách NOx (để giảm việc vận chuyển lượng khí thải nitơ oxit trong khu vực), do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe con người bằng cách hạn chế phát thải tiền chất ozone vào mùa hè từ các nguồn công nghiệp lớn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) cho thấy, ô nhiễm ozone gây bất lợi nhất cho các loài chim di cư nhỏ (như chim sẻ, chim chích), chiếm 86% tổng số loài chim đất Bắc Mỹ. Ô nhiễm ozone gây hại trực tiếp cho các loài chim bằng cách gây hại cho hệ hô hấp của chúng, và ảnh hưởng gián tiếp đến quần thể bằng cách gây hại cho nguồn thức ăn của chúng.
Giáo sư Amanda Rodewald, Giám đốc cấp cao của Khoa học Bảo tồn, Phòng thí nghiệm Khoa học sinh vật trường Cornell, tác giả nghiên cứu giải thích: “Ozone không chỉ có thể gây thiệt hại vật lý trực tiếp cho các loài chim mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thực vật và làm giảm số lượng côn trùng mà chim tiêu thụ”.
“Không có gì ngạc nhiên khi những loài chim không thể tiếp cận môi trường sống hoặc nguồn thức ăn chất lượng cao sẽ ít có khả năng sống sót hoặc sinh sản thành công. Tin tốt ở đây là các chính sách môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe con người cũng mang lại lợi ích quan trọng cho các loài chim”, bà khẳng định.
Ngọc Mai (t/h)