Năm 2024, Thái Bình phấn đấu trồng khoảng 1,5 triệu cây xanh

Minh Phúc|14/02/2024 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để tiếp tục thực hiện Đề án 'Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025' và đề án 'Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch', tỉnh Thái Bình phấn đấu trồng khoảng 1,5 triệu cây xanh các loại.

Theo kế hoạch, với 1,5 triệu cây xanh sẽ được tỉnh Thái Bình triển khai trồng trong năm 2024, bao gồm: 80.000 cây lâm nghiệp, tương đương 50ha trồng mới và trồng bổ sung rừng; trồng hơn 1,4 triệu cây phân tán nội đồng.

trong-cay.jpg
Năm 2024, Thái Bình phấn đấu trồng khoảng 1,5 triệu cây xanh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai trồng được hơn 1,76 triệu cây xanh các loại. Trong đó, cây lâm nghiệp có 33.000 cây bần chua tương đương 17ha rừng; cây phân tán nội đồng vụ xuân có hơn 1,7 triệu cây gồm cây ăn quả, cây dược liệu, cây bóng mát…; cây ăn quả có 20.050 cây, chủ yếu là mít dai vàng do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ. Với kết quả này đã góp phần để Thái Bình gia tăng diện tích và chất lượng rừng giúp bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu, tạo không gian đô thị, nông thôn đẹp, hiện đại, văn minh.

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lũy kế kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây, đạt 121,4% so với kế hoạch, gồm: 345 triệu cây xanh phân tán và trồng mới 435 triệu cây xanh tập trung.

Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Đề án trong 3 năm (năm 2021-2023) gần 9.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước chiếm 23,8%, còn lại vốn ODA, xã hội hóa và các nguồn vốn khác chiếm 76,2%.

Giai đoạn 2024-2025, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch với tổng số hơn 492 triệu cây, trong đó hơn 275 triệu cây xanh và 98.210 ha rừng trồng (tương đương với hơn 216 triệu cây).

Đặc biệt, năm 2023 đánh một dấu mốc rất quan trọng, đó là Việt Nam chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2024, Thái Bình phấn đấu trồng khoảng 1,5 triệu cây xanh