Nam Định kiến nghị chuyển dự án nhà máy nhiệt điện than sang điện khí

Tuấn Kiệt|29/03/2024 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việc chuyển đổi dự án nhà máy nhiệt điện than sang điện khí LNG, theo tỉnh Nam Định, nhằm giảm dần tỷ trọng điện than và đáp ứng nguyện vọng của người dân là nhà máy điện phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Ngày 28/3, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất chuyển đổi dự án nhiệt điện 2,2 tỷ USD từ điện than sang điện khí LNG.

Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 được triển khai những bước ban đầu tại huyện Hải Hậu từ trước năm 2010. Tuy nhiên, tháng 7/2017 dự án mới được Bộ Kế hoạch - Đầu tư trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

nha-may-nhiet-dien-than.jpg
Nguồn điện 'xanh' hơn đang được chú ý

Tới năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 3602. Nhà đầu tư là liên danh Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (Ảrập Xêút) đầu tư, thông qua pháp nhân là Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất (trụ sở tại Singapore).

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được xây dựng, vận hành theo thiết kế nhà máy nhiệt điện đốt than, với công suất khoảng 1.109,4 MW gồm hai tổ máy, công suất mỗi tổ khoảng 554,7 MW.

Địa điểm thực hiện tại địa bàn hai xã Hải Châu và Hải Ninh (huyện Hải Hậu) trên diện tích 242,71 ha; thời gian dự kiến khởi công giữa năm 2018. Tuy nhiên, từ khi được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án vẫn chưa triển khai.

Sau đó, Bộ Công thương đã làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 nếu không triển khai được phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Trong văn bản tham gia ý kiến gửi Bộ Công thương đề ngày 27/3/2024, UBND tỉnh Nam Định cho biết: Đến tháng 12/2020, về cơ bản các nội dung của hợp đồng BOT và GGU (thoả thuận về cam kết bảo lãnh của Chính phủ cho dự án) đã được thống nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo về việc ký chính thức các hợp đồng dự án sau khi hợp đồng mua bán điện (PPA) được thống nhất và hoàn thiện.

Tuy nhiên, đến nay hợp đồng dự án vẫn chưa được ký kết do các vướng mắc liên quan đến hợp đồng mua bán điện PPA và việc tái cấu trúc nhà đầu tư.

Theo UBND tỉnh Nam Định: thời điểm hiện tại, các quy định về bảo vệ môi trường đã có nhiều thay đổi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đảm bảo các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050, trong đó định hướng phát triển 3 nguồn điện là giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than và ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu.

Ngoài ra, nguyện vọng của người dân trong vùng dự án (theo văn bản số 115/BC-UBND ngày 25/3/2024 của UBND huyện Hải Hậu) là xây dựng nhà máy điện phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và đề nghị không sử dụng nhiên liệu than.

UBND tỉnh Nam Định kiến nghị Bộ Công thương xem xét, đàm phán với chủ đầu tư chuyển đổi dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 dự kiến sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nguồn nhiên liệu sạch (như điện khí LNG…) để đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện, thân thiện với môi trường và phù hợp cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và đáp ứng được nguyện vọng, tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án.

Trong hồ sơ, diện tích xây dựng nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 sử dụng khoảng 227,8ha, trong đó đất nông nghiệp khoảng 188ha, đất trong khu dân cư khoảng 9,4ha; đất giao thông, thủy lợi, công trình công cộng khoảng 30,4ha. Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khoảng 1.530 hộ.

Từ năm 2016, huyện Hải Hậu đã ban hành thông báo thu hồi đất đối với 1.633 hộ có điện tích đất phải thu hồi (gồm cả khu tái định cư tập trung); ra thông báo cho các tổ chức, cá nhân có đất nông nghiệp trong phạm vi GPMB dừng cấy lúa từ tháng 2/2016 và không cấy, gieo trồng, nuôi thả các loại thủy sản từ ngày 18/12/2017.

Tính đến tháng 11/2019, huyện Hải Hậu đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm 4 lần; tổ chức hỗ trợ chủ đầu tư triển khai công tác rà phá bom mìn, khoan thăm dò địa chất… Từ năm 2016 đến nay chủ đầu tư đã hỗ trợ chi trả tiền lỡ vụ 15 vụ với tổng số tiền 83,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do thời gian kiểm đếm đã lâu nên tài sản, cây trồng vật nuôi đã thay đổi, nhiều mốc giới GPMB ngoài thực địa đã mất, hiện trạng nhiều thửa đất thay đổi, cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ GPMB đã có nhiều thay đổi...

Đối với khu tái định cư tập trung (diện tích GPMB khoảng 8,1ha), huyện Hải Hậu đã hoàn thành bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tổng số tiền bồi thường hỗ trợ là 19,4 tỷ đồng; đã xây dựng xong khu tái định cư với tổng vốn đầu tư là 99,6 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định kiến nghị chuyển dự án nhà máy nhiệt điện than sang điện khí