– Theo báo cáo từ Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu, số lượng nhà máy nhiệt điện than được xây dựng mới mỗi năm đã giảm 84% kể từ năm 2015 và 39% trong năm 2018, trong khi số lượng nhà máy hoàn chỉnh bị ngừng hoạt động đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2015.
>>> Đắk Lắk tăng cường phòng chống cháy rừng mùa khô 2019
>>> Mưa lớn kèm lốc xoáy gây thiệt hại 500ha cây nông nghiệp của nông dân Quảng Nam
>>> Gia Lai: Hạn hán khốc liệt, người dân điêu đứng
Ảnh minh họa
Số lượng nhà máy nhiệt điện than được xây dựng mới mỗi năm đã giảm 84% kể từ năm 2015 và 39% trong năm 2018, trong khi số lượng nhà máy hoàn chỉnh bị ngừng hoạt động đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2015.
Báo cáo từ Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu cho biết, chi phí đầu tư cho điện năng lượng tái tạo đang giảm nhiều khiến nhiệt điện than đang bị loại dần ra khỏi thị trường. Hơn 100 tổ chức tài chính đã đưa các nhà máy nhiệt điện than vào danh sách đen và có hành động chính trị nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon đang gia tăng.
“Chỉ còn là vấn đề thời gian để than trở thành quá khứ trên toàn thế giới”, Neha Mathew-Shah, một trong những tác giả của báo cáo nói.
Tuy nhiên, Christine Shearer, đại diện Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu cho biết, ngay cả lượng khí thải từ các nhà máy điện than ít ỏi hiện tại cũng là quá tải.
“Chúng ta cần phải triệt để giảm dần việc sử dụng nhà máy nhiệt điện than trong thập kỷ tới để tiếp tục theo dõi các mục tiêu khí hậu ở Paris”, bà Shearer nói.
Đáng nói, báo cáo cũng cảnh báo về khả năng hồi sinh các nhà máy điện than ở Trung Quốc, nơi các bức ảnh vệ tinh cho thấy các nhà đầu tư đã khởi động lại hàng chục dự án bị đình chỉ.
Nhưng việc đóng cửa các nhà máy điện than vẫn diễn ra với tốc độ kỷ lục, với việc Mỹ chiếm hơn một nửa tổng số này bất chấp những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn việc đóng cửa các nhà máy đã xuống cấp. Một báo cáo riêng trong tuần này cho thấy 3/4 sản lượng điện than hiện tại của Mỹ hiện đắt hơn điện mặt trời và điện gió.
Hiệp hội Than thế giới cho biết trong một tuyên bố: “Là nguồn phát điện lớn nhất, than sẽ tiếp tục là một yếu tố quyết định quan trọng của sự phát triển. Đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Nam và Đông Nam Á, điện than củng cố sự phát triển kinh tế. Chúng ta phải tôn trọng và hỗ trợ sự lựa chọn của họ và tài trợ cho các công nghệ phát thải thấp”.
Tuy nhiên, các nhà máy điện than hiện đại nhất hiện nay vẫn gây ô nhiễm đáng kể hơn cả các nhà máy khí đốt.
Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 85% công suất điện than mới kể từ năm 2005, theo báo cáo của Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu. Trung Quốc cho phép xây dựng nhà máy điện than tạo ra công suất dưới 5GW vào năm 2018, so với 184GW năm 2015. Ấn Độ cho phép nhà máy có công suất ít hơn 3GW vào năm 2018, so với 39GW năm 2010.
Tuy nhiên, một báo cáo của Hội đồng Điện lực Trung Quốc vừa đề xuất cho phép công suất mới là 290GW, nhiều hơn toàn bộ điện than của Mỹ.
Lauri Myllyvirta, chuyên gia cấp cao của Greenpeace cho biết: “Việc giảm xây dựng nhà máy nhiệt điện than và đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy đang vận hành là tin vui cho sức khoẻ cộng đồng – ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than là nguyên nhân dẫn đến hàng trăm ngàn ca tử vong sớm hàng năm trên toàn cầu. Mặc dù tốc độ xây dựng dự án mới đã chậm lại, nhưng tình trạng dư thừa công suất ngày càng diễn biến xấu, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia do những nước này vẫn tiếp tục phát triển các dự án mới.”
Châu Á hiện chịu trách nhiệm cho phần lớn các nhà máy nhiệt điện than trên toàn cầu và tuổi trung bình của các nhà máy điện này chỉ là 12 năm, nghĩa là chúng phải mất hàng thập niên để dừng sản xuất điện theo kế hoạch trong khoảng 30 đến 50 năm.
Ngọc Ánh (t/h)