Lâu nay, việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ theo cách truyền thống, chưa đổi mới toàn diện và dẫn đến kết quả học tập của học sinh, sinh viên còn rất nhiều hạn chế. “Phương pháp giảng dạy truyền thống đặt vai trò của người giảng viên làm trung tâm. Giảng viên là người truyền thụ kiến thức, quá trình truyền thụ mang tính một chiều, sinh viên chỉ ghi nhớ một cách thụ động với mục tiêu đạt đủ điểm qua các kỳ thi cuối kỳ. Tại nhiều lớp học hiện nay, giảng viên còn nói quá nhiều, không tạo môi trường khuyến khích người học thảo luận, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kích thích khả năng tự học của học sinh và sinh viên.
Nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ nhìn nhận, học sinh được học Tiếng Anh từ rất sớm, có địa phương đưa vào chương trình học từ lớp 2 và học xuyên suốt 11 năm cho đến khi vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, sau thời gian dài, hiệu quả thu lại không đáng kể, nhiều học sinh, sinh viên không nói được một câu Tiếng Anh hoàn chỉnh hoặc nói sai ngữ pháp, phát âm không chuẩn, nhất là khả năng nghe rất kém.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích mở rộng đối tượng học sinh học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm từ năm học 2020-2021
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là 4,58. So với năm 2019, số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình của năm 2020 chiếm tỉ lệ thấp hơn. Cụ thể, năm 2019 số thí sinh đạt điểm dưới hoặc bằng 5 chiếm 68,74%, năm 2020 là 63,13%. Nhìn vào bảng so sánh phổ điểm tiếng Anh của 3 năm gần đây trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể thấy đề thi dù khó hay dễ, tỉ lệ thí sinh điểm dưới trung bình vẫn cao và chưa có sự chuyển biến rõ rệt.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong năm học mới 2020-2021 là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Người đứng đầu ngành giáo dục ra chỉ thị trong năm học này sẽ thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Không chỉ bảo đảm cơ cấu, số lượng mà còn cả chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, nhất là giáo viên phổ thông để đáp ứng yêu cầu và tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu ông Nhạ đặt ra là bảo đảm 100% học sinh lớp 3 được học ngoại ngữ vào năm học 2022-2023, tiếp tục triển khai dạy một số môn học khác bằng ngoại ngữ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ thị các địa phương khuyến khích triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với ngoại ngữ (tiếng Anh) và triển khai dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 ở các địa phương có đủ điều kiện thực hiện. Tiếp tục khuyến khích mở rộng đối tượng học sinh học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm từ năm học 2020-2021 để sẵn sàng thực hiện chương trình môn tiếng Anh mới theo lộ trình. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, bảo đảm việc đánh giá được thực hiện chính xác, công bằng, tin cậy.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay sẽ bổ sung trang thiết bị, học liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ. Tiếp tục xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống hỗ trợ dạy học tiếng Anh trực tuyến và trên máy tính cho cấp học phổ thông. Ngoài ra, ông Nhạ cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Phát động phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ tại các trường phổ thông và cơ sở giáo dục đại học.
Đối với giáo viên, giảng viên cần sự thay đổi lớn nhất là vai trò người dạy. Truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống được chuyển sang vai trò người hướng dẫn, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho người học. Học sinh, sinh viên cần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Sử dụng hiệu quả các phương tiện về công nghệ thông tin ứng dụng trong học tập. Tiếp cận các nguồn học liệu mở uy tín để học, rèn luyện thêm các kỹ năng để đổi mới sáng tạo, tư duy độc lập.
Ngoài ra, công nghệ là một trong những giải pháp để tiếp cận học ngoại ngữ nhanh nhất. Nếu dùng công nghệ, sinh viên có thể học ở nhà mà không phải đến lớp. Nhưng về lâu dài, chúng ta vẫn cần thiết kế chương trình và xây dựng tài nguyên học tập, định hướng phương pháp đánh giá trong giảng dạy, học tập để đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa hiện nay…
Minh Anh