Mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với nhựa, túi nilon

Mai Anh|01/09/2020 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni-lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác…

Khảo sát tại một số chợ ở Hà Nội như Hà Đông, chợ Nam Thành Công, chợ Ngã Tư Sở, chợ Vĩnh Tuy… cho thấy, giá túi ni-lông cũng rất rẻ, chỉ từ 18.000 – 45.000 đồng/kg. Cụ thể, túi màu xanh lá cây và màu vàng có chất lượng kém giá chỉ 18.000 đồng/kg. Còn loại màu trắng trong là đắt nhất, thường để đồ ăn nóng, giá 45.000 đồng/kg. “Người dân nhiều khi mua ít tỏi khô, ba quả chanh tươi hay vài ba cây hành lá cũng phải để vào túi ni-lông. Mỗi ngày doanh thu của bà có 800.000 – 1.000.000 đồng nhưng đã dùng hơn nửa cân túi ni lông” – một tiểu thương ở chợ Vĩnh Tuy cho biết.

Đây là thực tế hết sức bất cập, bởi lẽ thuế bảo vệ môi trường là 50.000 đồng/kg trong khi giá bán sản phẩm này trên thị trường chỉ 20.000 đồng/kg. Chính vì vậy, Chỉ thị 33/CT-TTg được giới chuyên gia nhận định là hành động mạnh mẽ tiếp theo của Chính phủ nhằm thực hiện cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương, với tư cách Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc.

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý (hoàn thành trước ngày 30/10/2020).

Trong đó, chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện một số các hoạt động cụ thể như sau: Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn…); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa…. dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn…; Bộ Công Thương tổ chức đánh giá hiện trạng phát triển ngành nhựa và đề xuất định hướng, giải pháp phát triển ngành nhựa theo hướng phát triển bền vững; Chỉ đạo thực hiện mục tiêu “Tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”…

Đối với Bộ Tài chính, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni-lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics); chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi ni-lông;

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa; ưu đãi, hỗ trợ đối với túi ni-lông thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí ưu tiên hoặc định mức áp dụng mua sắm công đối với các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.

Được biết, đánh thuế bảo vệ môi trường túi ni – lông không phải chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng. Theo thống kê chưa đầy đủ về chính sách thuế ở hơn 50 nước của Bộ TN&MT, có 27 nước đánh thuế vào việc sản xuất, còn khoảng 30 nước đánh thuế vào việc tiêu thụ. Cụ thể, nếu một người trả tiền mua túi ni – lông ở siêu thị thì khoản tiền này đã bao gồm thuế túi ni – lông. Các chuyên gia cho rằng, đánh thuế vào việc tiêu thụ sẽ ngay lập tức điều chỉnh hành vi người dùng, góp phần giảm lượng tiêu thụ sản phẩm này.

Mai Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với nhựa, túi nilon
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.