Kể từ ngày 5/10/2015, quy định về thu phí khi sử dụng túi nilon chính thức có hiệu lực tại Anh. Động thái này của Chính phủ Anh nhằm thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người dân vốn gây tác động tiêu cực đến môi trường sống khi nilon rất khó bị phân hủy trong môi trường, thải ra nhiều độc chất.
Số liệu gần đây cho thấy lượng túi nhựa do người mua hàng sử dụng ở Anh tiếp tục giảm, chỉ riêng năm ngoái là 59% – kể từ khi nước này áp dụng chính sách tính phí 5 xu (khoảng 1.600 đồng) cho mỗi túi nhựa. Trước đó, người mua hàng tại các siêu thị được miễn phí túi nhựa.
Khoản phí này áp dụng cho tất cả các nhà bán lẻ có quy mô hơn 250 nhân viên mặc dù chính phủ đã tư vấn mở rộng đối tượng áp dụng đến tất cả các doanh nghiệp cũng như tăng mức phí tối thiểu lên 10 xu.
Về tổng thể, lượng túi nhựa dùng một lần được tiêu thụ trong các chuỗi siêu thị lớn ở Anh đã giảm hơn 95% so với cách đây 5 năm, khi chính sách đánh thuế được ban hành.
Ảnh minh họa
Theo Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (DEFRA), thống kê cho thấy trung bình mỗi người dân Anh hiện chỉ mua 4 túi nhựa trong một năm từ các nhà bán lẻ lớn. Con số này vào năm ngoái là 10 túi, còn năm 2014 là 140 túi.
Bộ trưởng George Eustice cho biết: “Thật đáng khích lệ khi thấy trong một khoảng thời gian ngắn như vậy đã có sự khác biệt rất lớn trong việc giảm lượng nhựa chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
“Tất cả chúng ta đều đã tận mắt chứng kiến tác động tàn phá mà túi ni lông gây ra đối với môi trường, xả rác vào vùng nông thôn xinh đẹp của chúng ta và đe dọa sinh vật biển trên thế giới. Tôi cam kết thúc đẩy sự tiến bộ này hơn nữa và tôi hy vọng điều này tiếp tục truyền cảm hứng cho hành động tương tự trên toàn cầu ”.
Trong 12 tháng qua, các tập đoàn bán lẻ lớn ở Anh như Asda, Marks & Spencer, Morrisons, Sainsbury’s, Co-op, Tesco và Waitrose đã bán 226 triệu túi, giảm hơn 322 triệu so với năm 2018-2019.
Hồi năm 2018, Chính phủ Anh cũng đã công bố một loạt biện pháp nhằm loại bỏ tất cả rác thải nhựa có thể tránh được, trong đó có lệnh cấm hạt vi nhựa và đề xuất kéo dài việc thu phí bắt buộc vốn đang rất có hiệu quả này.
Nỗ lực giảm thải rác nhựa ở Anh đang bị đình trệ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Số lượng rác thải nhựa tăng chóng mặt do người dân liên tục sử dụng khẩu trang, găng tay, tấm che mặt và khăn lau dùng một lần. Cùng với đó, tốc độ tái chế nhựa cũng giảm mạnh do tình trạng phong tỏa.
Chính quyền xứ Wales vừa bắt đầu cuộc thảo luận được chờ đợi từ lâu nhằm xác định những vật dụng nhựa không thiết yếu, bao gồm cả ly nhựa mang đi (takeaway) làm từ polystyrene, có nên bị cấm hoàn toàn không.
Ánh Ngọc