–
Thách thức trong phát triển đô thị
Quá trình đô thị hóa ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng phát triển nên không gian xanh dành cho người dân cũng dần bị thu hẹp. Không ít các dự án bớt hạng mục cho không gian xanh hoặc cố tình lờ luôn tiện ích này dẫn đến những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân.
Trước thực trạng này, TP Hà Nội đặt kế hoạch trồng thêm 1 triệu cây xanh vào năm 2020 đồng thời xây dựng 20 – 25 công viên trong đó có 5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế. Theo khảo sát của nhiều tổ chức cộng đồng cho thấy, cho dù tối đa hóa diện tích mật độ xanh ở các dự án nhà hiện nay thì cũng chỉ có thể chiếm khoảng 40%.
Thực tế cho thấy, việc tạo ra các không gian sống văn minh đã mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán. Các dự án bất động sản được thiết kế, xây dựng đảm bảo không gian sống văn minh, với kiến trúc đẹp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đầy đủ, tiện nghi, với phương thức quản lý, vận hành công khai, nghiêm túc, phù hợp với nhu cầu cuộc sống của cư dân luôn thu hút được sự quan tâm của khách hàng và sản phẩm của các dự án này có tính thanh khoản cao trên thị trường.
Đối với người mua nhà, xu hướng chọn chốn an cư có nhiều không gian xanh, tiện ích và chất lượng nơi sống đã trở thành tiêu chí lựa chọn mua nhà, ngoài tiêu chí giá cả, vị trí. Có không ít những chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở theo hướng “xanh hóa” không gian sống để dự án hấp dẫn người tiêu dùng.
Giải pháp để phát triển
Nhiều chuyên gia trong ngành đã phân tích nếu xây dựng các tòa nhà xanh, công trình xanh ngoài việc giảm được những tác động xấu của các công trình đến sức khỏe người dân sử dụng, còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các tài nguyên trong công trình như nước, nhiên liệu, năng lượng… Theo tính toán của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, tòa nhà xanh có thể tiết kiệm cho người sử dụng từ 20% – 40% chi phí vận hành.
Điển hình với một số dự án công trình xanh ở Việt Nam trong đó, công trình FPT (Đà Nẵng) giảm được 21% chi phí năng lượng, 32% chi phí nước và 20% lượng vật liệu xây dựng.
Để nâng cao chất lượng cuộc sống, thì ngoài những bộ ngành có liên quan thì sự kết hợp của từng người dân trong mỗi hộ gia đình trong đô thị cũng cần có ý thức xây dựng một công trình xanh ngay tại nơi sống như việc mỗi người dân cần ý thức chọn lựa những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và giảm thiểu sử dụng vật liệu có nguồn gốc hóa thạch, chú trọng việc thiết kế ngôi nhà thông gió, tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời. Ngoài ra, việc trồng cây trên những mái nhà, trên ban công, trên tường… cũng là cách giảm thiểu tiếng ồn và tạo một không gian đô thị xanh.
Việc phát triển không gian đô thị xanh bền vững để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị cũng cần để ý đến tiêu chí phù hợp với văn hóa và bản sắc Việt Nam để tạo nên sự hài hòa.
An Nhiên (T/h)