Nét đặc sắc trong Lễ hội khai ấn Đền Trần tại Thanh Hóa

Quản Trọng Sơn|07/02/2023 08:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đây là lễ hội truyền thống hàng năm của người dân xã Yên Dương, huyện Hà Trung nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

W_den-tran-thanh-hoa-1.jpg
Các nghi lễ trong đêm khai ấn ở đền thờ Trần Hưng Đạo tại Thanh Hóa diễn ra trang nghiêm, thành kính

Hàng năm vào đêm ngày 14 tháng Giêng, tại Khu Di tích quốc gia đền thờ Trần Hưng Đạo tại làng Thổ Khối, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá sẽ diễn ra Lễ khai ấn đền Trần Xuân. Đây là một trong những sự kiện văn hóa truyền thống có ý nghĩa quan trọng được tổ chức thường niên của huyện Hà Trung, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, là dịp tri ân, tưởng nhớ công đức của các vua Trần.

Năm nay, trong khuôn khổ lễ khai ấn, nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đặc sắc đã được tổ chức, như giao lưu thi đấu bóng chuyền hơi, giao lưu văn nghệ nhằm tuyên truyền, quảng bá đến du khách về tiềm năng du lịch của huyện Hà Trung, ý nghĩa của lễ hội cũng như Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Trần Hưng Đạo, làng Thổ Khối, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Theo sử sách, đền thờ Trần Hưng Đạo (làng Thổ Khối, xã Yên Dương) gắn liền với những huyền tích và dấu ấn của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285.

Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân làng Thổ Khối lập đền thờ ông. Năm 1996, ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Từ đó, cứ vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, nhân dân làng Thổ Khối cùng chính quyền địa phương lại tổ chức lễ hội, trong đó có nghi lễ khai ấn.

W_den-tran-thanh-hoa-3.jpg
Người dân vui mừng khi cầm trên tay những lá ấn, với mong ước một năm mới sức khỏe, mọi sự hanh thông

Lễ hội Đền thờ Trần Hương Đạo được tổ chức với các nghi lễ truyền thống như việc tế Nam quan, dâng hương và diễn ra lễ khai ấn. Tiếp đó là đội rước ấn gồm 9 người nam giới sẽ thực hiện nghi lễ rước ấn từ Cung ra. Chiếc ấn cổ được mang ra đặt trước tượng thờ Trần Hưng đạo Đại vương. Sau đó là nghi lễ trình tấu Chúc văn với nội dung là cầu chúc cho Quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, mọi người mọi nhà bình an hạnh phúc. Nghi lễ khai ấn là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội. Đúng 12 giờ đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng giêng những chiếc ấn đầu tiên được lãnh đạo tỉnh, lãnh huyện đóng ấn. Tiếp đó là nghi thức rước Ấn về cung một nghi thức trang nghiệm do đoàn rước ấn thực hiện đưa ấn về cung.

Tính đến nay, đền thờ Trần Hương Đạo tại làng Thổ Khối đã có lịch sử xây dựng gần 700 năm và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Không chỉ được biết đến là di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng trong cả nước mà nơi đây còn là địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương mỗi khi đặt chân đến tỉnh Thanh Hóa. Với những giá trị về lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quan trọng, năm 1996, đền thờ Trần Hưng Đạo được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

W_den-tran-thanh-hoa-4.jpg
Đông đảo du khách xếp hàng nhận ấn

Phát biểu tại lễ khai ấn năm nay, ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết, đền thờ Trần Hưng Đạo là ngôi đền đặc biệt trên đất xứ Thanh, nơi đã chở che và in đậm dấu chân của vị Anh hùng dân tộc Hưng đạo Đại Vương và các vua Trần trong công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai vào mùa Xuân năm 1285. Trước sức mạnh của đội quân xâm lược Nguyên Mông, Hưng đạo Đại Vương bằng tài trí, mưu lược và sự dũng cảm, kiên cường đã đưa triều Đình từ Thiên Trường vượt biển vào đất Thanh Hóa, tìm địa bàn chiến lược để lui quân. Và mảnh đất Tam giang - Thổ Khối này, nơi hội tụ của 03 dòng sông: Tống Giang, Hoạt Giang và Lũng Khê, chính là nơi đã được Hưng Đạo Đại Vương lựa chọn làm căn cứ để bảo vệ cho sự an toàn của Triều Đình và tập trung củng cố, xây dựng lực lượng. Trong những ngày tháng ở đây, Ngài cùng các Vua Trần đã hòa mình với Nhân dân, được dân làng đùm bọc, nuôi dưỡng; trai tráng trong vùng tấp nập theo về gia nhập đại quân. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đại quân đã được kiện toàn, thẳng tiến ra Bắc, lập nên chiến công hiển hách, chiến thắng lẫy lừng Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết… giải phóng đất Thăng Long, đưa cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai đến thắng lợi hoàn toàn. Sau khi Ngài mất, để tỏ lòng kính trọng, tưởng nhớ và tri ân công đức của Ngài, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ Ngài ngay trên mảnh đất mà Ngài cùng với các Vua Trần đã đóng quân.

Bài liên quan
  • Nhớ mùa hoa chanh quê nhà
    Ấn tượng về những ngày đầu Xuân của tôi gắn liền với mùi hương quen thuộc của một loài hoa đồng nội: hoa chanh. Trong sắc nắng dịu dàng xen lẫn chút thanh mát của thời tiết tháng Giêng, mấy chậu chanh chiết cành trồng trước hiên nhà tôi bừng nở hoa trắng muốt. Dẫu chỉ là loài chanh “thành thị” sống trong chậu nhỏ giữa vườn nhà chật hẹp nhưng hương sắc của chúng vẫn khiến người xa quê như tôi nao nao mong nhớ biết bao kỉ niệm quê nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nét đặc sắc trong Lễ hội khai ấn Đền Trần tại Thanh Hóa