Tổng giám đốc nhà máy Krasnogork Alexander Novikov – đơn vị phát triển thiết bị phát hiện Covid-19 trong không khí cho biết, dụng cụ này có khả năng phát hiện virus qua quá trình phân tích tự động một mẫu không khí từ 10 đến 30 phút, tùy theo mức độ tích tụ mầm bệnh trong không khí.
Virus SARS-CoV-2 (màu vàng) được phân lập dưới kính hiển vi điện tử.
Ông khẳng định, thiết bị này có thể phản ứng với các mầm bệnh khác trong không khí. Vì vậy, nó có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và đảm bảo an toàn sinh học. Thiết bị phát hiện virus SARS-CoV-2 trong không khí có tên gọi Detector-BIO là công trình sáng tạo độc đáo, chưa có bất kể loại sản phẩm tương tự trên thị trường.
Dụng cụ này được thiết kế để phát hiện đồng thời 86 tác nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm do virus và vi khuẩn, cũng như các chất độc hại trong không khí. Hiện, sản phẩm này mới được ra mắt tại Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế (Army-2020) và chưa có kế hoạch phát triển, sản xuất cụ thể.
Trước đó, các nhà khoa học lần đầu tiên “bắt” được virus SARS-CoV-2 trong không khí và đã kiểm chứng khả năng xâm nhập vào tế bào của virus này. Theo kết quả nghiên cứu, ở cả hai khoảng cách 2,1 mét và 4,87 mét, nhóm nghiên cứu đều “bắt” được virus còn sống, có đầy đủ khả năng xâm nhập tế bào trong phòng thí nghiệm. Nguyên tắc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét đôi khi khiến mọi người nhầm lẫn, cứ nghĩ rằng như vậy để đủ để đảm bảo an toàn cho họ ở môi trường khép kín. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Minh Anh