Ngăn dịch tả lợn châu Phi “Nam tiến“: Lập trạm kiểm dịch tại các điểm yết hầu giao thông

Hà Anh (T/h)|06/03/2019 04:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo thống kê, giá lợn hơi khu vực phía Nam, đặc biệt là tại các tỉnh vùng ĐBSCL trong mấy ngày gần đây chênh lệch khá cao với giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc, khiến gia tăng tình trạng thương lái “đánh hàng” vận chuyển lợn hơi từ Bắc vào Nam để hưởng chênh lệch.

Theo khảo sát, ngay sau có thông tin dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam, từ cuối tháng 2, giá lợn hơi tại miền Bắc có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, nếu như những ngày trước Tết Nguyên đán, giá thịt lợn xuất chuồng có thời điểm lên tới 52-53 nghìn đồng/kg thì tới thời điểm này đã giảm trung bình khoảng 10 nghìn đồng/kg, thậm chí có địa phương dù chưa có dịch nhưng giá giảm sâu xuống còn 32-33 nghìn đồng/kg.

Cụ thể, tại Hưng Yên, nơi phát hiện dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên ở Việt Nam, ngoài những địa điểm thông báo chốt dịch cấm vận chuyển giết mổ, người dân các vùng khác không biết phải làm thế nào để được bán lợn khỏe. Chị Mai (Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ: “Nhà có tới 30 con lợn gần tạ tới kỳ bán mà giá đang xuống chỉ còn 36 nghìn đồng/kg nhưng không bán được vì chưa được cấp dấu kiểm dịch”.

Ảnh minh họa

Thông tin dịch tả lợn Châu Phi lây lan nhanh cũng khiến người chăn nuôi tại các vùng chưa có dịch bị thương lái ép giá. Anh Trần Văn Bắc (Miếu Môn, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: “Hôm trước bán 30 con lợn giá 40 nghìn đồng/kg nhưng nay thương lái chỉ trả 38 nghìn đồng/kg. Giá vậy chưa đủ tiền cám”.

Dù giá lợn xuất chuồng giảm sâu nhưng trên thị trường, giá thịt lợn bán ra chỉ nhúc nhích giảm nhẹ. Cụ thể, tại Hà Nội giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ hiện đang bán với giá từ 80-100 nghìn đồng/kg; thịt lợn sạch vẫn bán giá 120 nghìn đồng/kg. Tại các siêu thị giá thịt lợn vẫn giữ mức ổn định từ 110-120 nghìn đồng/kg.

Lập trạm kiểm dịch tại các điểm yết hầu giao thông

Lợi dụng dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào một số tỉnh, giá lợn hơi chênh lệch giữa các vùng miền, một số thương lái đã tăng cường gom lợn chở vào các tỉnh phía Nam. Đồng thời, nhiều thông tin giả cũng được các thương lái tung ra nhằm gây nhiễu thông tin để người chăn nuôi hoang mang, bán tháo lợn với giá rẻ.

Cụ thể, trong ngày 5/3, giá lợn hơi tại Vĩnh Long giảm 1 nghìn đồng/kg xuống 48-49 nghìn đồng/kg; Mỹ Tho (Tiền Giang) giảm 500 đồng xuống 48.500 đồng/kg. Như vậy, mức giá lợn tại miền Nam vẫn chênh lệch lớn so với các tỉnh miền Bắc. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến số lượng lớn lợn từ miền Bắc, miền Trung được nhập vào TP HCM, các tỉnh Đông Nam bộ.

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), trong những ngày qua, lượng lợn nhập về chợ đầu mối TP HCM liên tục gia tăng. Nếu như ngày 3/3 là 4.900 con thì ngày 4/3 lại lên tới 5.200 con. Lợn từ: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội… được nhập về và giết mổ, tiêu thụ tại TP HCM, thậm chí tiêu thụ tại Long An.

Quá trình dịch chuyển nguồn lợn làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Do đó, TP HCM đã kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT quyết liệt trong công tác kiểm soát lợn từ khu vực có dịch sang khu vực chưa có dịch. Lập chốt kiểm dịch tại tại các tuyến đường độc đạo, yết hầu từ khu vực miền Trung; thậm chí cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam.

Theo Báo Giao thông, đại diện Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho hay: Tại các vùng có dịch tả lợn Châu Phi đã thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24h; bố trí các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn. “Cơ sở chăn nuôi lợn nằm trong vùng dịch nếu có nhu cầu vận chuyển lợn ra ngoài được cơ quan thú y lấy mẫu, xét nghiệm có kết quả âm tính với bệnh và hướng dẫn tuyến đường vận chuyển ra khỏi vùng có dịch”, vị đại diện khẳng định.

Các tỉnh, thành phố giáp với địa phương có bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng đã thành lập chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp tỉnh. “Các trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông, đặc biệt các trạm kiểm dịch trên trục đường giao thông từ Bắc vào Nam tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết… thì lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định”, đại diện Cục Thú Y nhấn mạnh.

Trước đó, tại Hội nghị về kinh tế – xã hội tháng 2 và kế hoạch tháng 3-2019 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 05-3-2019, Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch tịch Ủy ban nhân dân Thành phố bày tỏ sự quan ngại về bệnh dịch tả heo châu Phi, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Lê Thanh Liêm, cho biết: Hiện nay, một số tỉnh ở nước ta đã xảy ra tả heo châu Phi. Nhưng điều đáng lo ngại là, mỗi ngày Thành phố tiêu thụ 10.000 con heo nhưng chỉ cung cấp được 20%. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ Thành phố chắc chắn phải tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh, thành khác, do đó nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ lây bệnh là rất lớn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Nguyễn Phước Trung khẳng định, Thành phố “đã có kế hoạch ứng phó” dù Thành phố chưa tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhưng vẫn đưa ra giả định tình huống khi Thành phố tiếp nhận heo vùng có dịch để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Các giải pháp đặt ra như: Tăng cường lực lượng kiểm soát ở các điểm đầu mối giao thông, nhất là ở khu vực cửa ngõ, trên các trục đường chính. Bên cạnh đó là việc tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, bảo đảm nguồn nhập phải có nguồn gốc. Đặc biệt, các quận, huyện cũng cần tăng cường kiểm soát giết mổ trái phép, nếu không kiểm soát được việc này thì nguy cơ rất lớn. Đồng thời, Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Thành phố đã tập trung tuyên truyền tới người tiêu dùng.

Hà Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngăn dịch tả lợn châu Phi “Nam tiến“: Lập trạm kiểm dịch tại các điểm yết hầu giao thông
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.