Người dân Makassar mang rác thải hay phế liệu như chai nhựa, giấy và bao bì đến các điểm thu mua được gọi là ngân hàng. Tại đây, rác sẽ được cân và định giá. Giống như ngân hàng thông thường, khách hàng đến với ngân hàng rác Mutiara có thể mở tài khoản, gửi và rút tiền theo định kỳ.Ngoài ra, một số chủ tài khoản đăng ký chương trình làm bài tập về nhà. Các sinh viên sẽ hỗ trợ con của chủ tài khoản làm bài tập và nhận tiền trực tiếp từ ngân hàng rác. Tại một số ngân hàng rác khác trên cả nước Indonesia, chủ tài khoản có thể đổi trực tiếp rác thành gạo, thẻ điện thoại hoặc thanh toán hóa đơn tiền điện.
Chính quyền thành phố cam kết mua rác đúng theo giá niêm yết tại ngân hàng và đảm bảo bình ổn giá. Sau đó, rác tái chế được bán cho bên thu mua và cuối cùng được chuyển đến nhà máy tái chế ở đảo Java. Vài lần mỗi tuần, chính quyền thành phố Makassar có các chuyến xe thu gom rác từ Mutiara Trash Bank để mang đến Ngân hàng Rác Trung ương sắp xếp lại và bán.
Hầu hết khách hàng của ngân hàng rác Mutiara là phụ nữ đi nhặt rác bán thời gian. Họ thường tiết kiệm được khoảng 2.000 – 3.000 rupiad (3.000 – 5.000 VND), mỗi tuần. Người nào chăm chỉ nhặt rác sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Mọi người thường vay tiền để mua gạo, khi chờ khoản lương mà chồng đem về vào cuối tuần.
Giám đốc Suryana cho biết: “Chưa có khách hàng nào vỡ nợ. Vì thế, miễn là người dân vẫn sống ở đây, họ sẽ trả tiền. Họ chỉ cần đem đến nhiều rác hơn thôi”.
Sitinah – chủ tiệm tạp hóa nhỏ – chia sẻ: Đây là nơi cho vay dễ chịu nhất với họ. Cô nói: “Trước kia dường như tôi chẳng bao giờ có tiền. Giờ đây, tôi có thể dùng khoản tiền tiết kiệm được khi cần”.
Ý tưởng ngân hàng rác độc đáo trên không chỉ xuất hiện ở Indonesia mà còn ở nhiều nước khác ở châu Á và châu Phi. Người dân địa phương coi ngân hàng rác như giải pháp giúp giảm áp lực gia tăng lên các bãi chôn rác, còn giúp người nghèo có cơ hội tiết kiệm.