Ngành vận tải biển gây ra khoảng 3% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Tháng 7 vừa qua, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã nhất trí mục tiêu trung hòa khí thải trong ngành này trước hoặc vào khoảng năm 2050. Tuy nhiên, quy mô và độ phức tạp của ngành cũng như tình trạng thiếu nhiên liệu “xanh” có thể khiến mục tiêu này bị trễ hạn.
Tàu chở hàng Pyxis Ocean chạy bằng sức gió được lắp đặt kết cấu đặc biệt giống như 2 cánh buồm lớn và vững chắc, được gọi là "WindWings," dự kiến sẽ cập cảng Gdynia của Ba Lan vào đầu tuần tới. Hai "cánh buồm" WindWings cao tới 37,5 m, sử dụng năng lượng gió để tàu di chuyển, góp phần giảm lượng phát thải khí CO2.
Tàu Pyxis Ocean dài 229 m, rộng 32 m. Tàu bắt đầu hành trình trên biển vào ngày 1/8 vừa qua từ Thượng Hải (Trung Quốc) với khoảng 20 thủy thủ trên tàu và đã đi qua các cảng Paranagua của Brazil, cảng Santa Cruz de Tenerife của Tây Ban Nha, trước khi dự kiến kết thúc hành trình ở Ba Lan. WindWings có thể tự động thu lại để thuận tiện cho tàu cập cảng.
WindWings là kết quả hợp tác giữa tập đoàn tư nhân toàn cầu Cargill, tập đoàn Mitsubishi, công ty Bar Technologies và Yara Marine Technologies. Theo ông Jan Dieleman, Chủ tịch hãng vận tải biển Cargill Ocean và là bên cho thuê tàu Pyxis Ocean, tiêu thụ nhiên liệu của con tàu 6 năm tuổi này giảm khoảng 20% trong suốt hành trình nhờ WindWings.
Cargill cho rằng việc kết hợp năng lượng gió và nhiên liệu sinh học sẽ là cách làm tốt nhất để ngành vận tải biển sớm đạt mục tiêu trung hòa khí thải. Nhiên liệu sinh học có chi phí cao hơn nhiên liệu hóa thạch từ 3-4 lần, do đó việc bổ sung năng lượng gió sẽ rút ngắn thời gian hoàn vốn xuống còn 2-3 năm thay vì 10 năm như trước đây. Viễn cảnh này sẽ khuyến khích các chủ tàu lựa chọn phương án kết hợp này nhằm mang lại lợi ích tài chính và ít rủi ro hơn.