Đêm 20/7 và ngày 21/7, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn, gây lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa của nhân dân, công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là tại các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê và TP. Hà Giang của tỉnh Hà Giang.
Mưa lớn cũng khiến lũ quét, sạt lở đất diễn ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại về người, giao thông nhiều nơi bị chia cắt.
Thống kê nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho hay, đã có 2 mẹ con chị Lý Già Tứi (44 tuổi) và Lý Thị Ơn (15 tuổi), trú tại xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì tử vong. Ngoài ra, 1 người khác bị thương là anh Đặng Văn Đại (thôn 1 Hợp Nhất xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì).
Ngay trong sáng 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang – ông Nguyễn Văn Sơn đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục tình hình ngập úng, sạt lở đất trên địa bàn.
Theo nhận định của ông Sơn, nguyên nhân gây ngập úng cho TP Hà Giang là do mưa lớn kéo dài, hệ thống thoát nước của thành phố đã cũ, xuống cấp, không đáp ứng được mức độ đô thị hóa.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, một nguyên nhân khác là do Hà Giang có địa hình lòng chảo, mưa xuống nhanh nhưng nước không kịp thoát gây ra ngập úng nghiêm trọng. Từ năm 1986 đến nay, việc ngập úng vẫn thỉnh thoảng diễn ra.
Mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Hà Giang
Đồng quan điểm, ông Bùi Đức Tuấn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc cho biết, thường những đợt lũ xảy ra là từ thượng nguồn và xuất hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, đợt mưa lũ lần này lại chỉ tập trung ở Hà Giang.
Hà Giang có địa hình gần như một thung lũng. Xung quanh thành phố là các rãnh núi cao nên lượng nước dồn về rất nhanh.
Cũng theo ông Tuấn, lũ xuất hiện tại Hà Giang chỉ trên mức báo động 2 nhưng tập trung cục bộ ở một vài điểm nên gây ngập úng nhiều. Sau đó, lượng nước ứ đọng tại các điểm tràn ra gây ngập hết cả thành phố.
Nói về nguyên nhân của đợt mưa lớn đang diễn ra ở Hà Giang và các tỉnh miền núi Bắc Bộ, ông Bùi Đức Tuấn cho biết, đây là một trong những hiện tượng do áp cao cận nhiệt đới lấn sâu vào nội địa. Hình thái này kết hợp với xoáy và gió trên cao tồn tại lâu ở khu vực Hà Giang mà không di chuyển đi nơi khác, do đó, dẫn đến hiện tượng mưa các nơi không đồng đều.
“Vùng xoáy này đã xuất hiện 1-2 ngày và chỉ tồn tại ở thành phố Hà Giang chứ không di chuyển đi các nơi khác. Đó là lý do lượng mưa các nơi không đồng đều”, ông Tuấn cho biết.
Hà Giang là tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, những ngày gần đây nhiều khu vực của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Từ đó, nhiều người cho rằng, mưa lũ tại TP. Hà Giang vừa qua là do ảnh hưởng từ Trung Quốc, tuy nhiên, ông Tuấn đã bác bỏ thông tin này.
“Mưa xuất hiện tại chỗ, do chính vùng mây hội tụ hình thành tại khu vực, không phải do mây từ những nơi khác di chuyển đến. Do đó, mưa lũ ở Hà Giang đêm 20/7 và ngày 21/7 không liên quan đến mưa lũ ở bên Trung Quốc”, ông Tuấn nói.
Trước đó, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho biết, nguyên nhân của các đợt mưa lớn ở khu vực phía Đông và Đông Nam của Trung Quốc là do tác động của một dải mây Front (gọi là Front Mei-yu) đã được rất nhiều nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản nghiên cứu.
Dải mây này là nguyên nhân gây ra mưa lớn cùng lũ lụt ở Nam Trung Quốc và Đài Loan trong tháng 5, tháng 6 và Nhật Bản trong tháng 6, tháng 7. Tuy nhiên may mắn là Front Mei-yu ít tác động đến khu vực phía Bắc của Việt Nam.
Ngọc Ánh (t/h)