Theo ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, bắt đầu từ ngày 12 đến 31/12, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống để hoàn thành đánh giá an toàn. Cụ thể, theo phương án dự kiến toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông được vận hành từ 5h đến 23h hàng ngày. Cụ thể, vào giờ bình thường 6 đoàn tàu chạy, giờ cao điểm 9 đoàn tàu chạy theo hai hướng từ đầu đến cuối tuyến.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành sẽ giảm áp lực giao thông cho tuyến đường từ phía quận Hà Đông vào trung tâm Hà Nội
Trong thời gian chạy thử, toàn bộ 9 đoàn tàu của dự án được đưa vào vận hành từ ga Yên Nghĩa đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh. Tốc độ chạy tàu trung bình 35 km/h, thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút. Theo thiết kế tổng thể, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h.
Khi khai thác, các đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống và tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do Liên danh Apave-Certifier-Tricc của Pháp – đơn vị đánh giá, chứng nhận an toàn độc lập. Nội dung đánh giá có các hạng mục về độ tin cậy của đoàn tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống điện, tích hợp hệ thống; thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống và quản lý vận hành an toàn.
Sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thử và nghiệm thu, để dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đưa vào khai thác vận hành chính thức, dự án còn phải trải qua các khâu như đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống (do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp), nghiệm thu Nhà nước, đề nghị cấp chứng chỉ hoàn thành công trình, bàn giao nguyên trạng dự án cho Hà Nội và thành phố sẽ ra quyết định đưa hệ thống đường sắt trên vào khai thác, vận hành.
Trọng Nhân