Nghệ An: Bài 1- Người dân đang “chết mòn” vì sống cạnh Nhà máy xi măng Sông Lam ô nhiễm

Kế Hùng|19/03/2019 07:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những tưởng sau khi Nhà máy xi măng Sông Lam (NMXM Sông Lam) tại xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi diện mạo đời sống người dân nơi đây, nhưng không, người dân nơi đây không những không được hưởng lợi gì mà đang hằng ngày phải sống trong ô nhiễm môi trường. Tiếng ồn, bụi bặm, ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa sức khỏe cũng như cuộc sống của họ. Những lá đơn kêu cứu liên tiếp được gửi đi nhưng những gì người dân nhận lại là sự im lặng khó hiểu của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An.

Ô nhiễm nguồn nước, nỗi ám ảnh của người dân

Theo tìm hiểu được biết, Nhà máy xi măng Sông Lam của Công ty CP xi măng Sông Lam (thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai) được đầu tư với số vốn hơn 10.000 tỷ đồng, công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/1 ngày. Mỗi năm, nhà máy cho ra lò 4 triệu tấn sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, kể từ ngày nhà máy đi vào hoạt động cuối năm 2016 đã gây nhều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, quá bức xúc người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị tới UBND huyện Đô Lương và tỉnh Nghệ An đề nghị vào cuộc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do Nhà máy xi măng Sông Lam gây ra, nhưng sự việc vẫn không được giải quyết. Cực chẳng đã, người dân nơi đây đành phải nhờ cậy cơ quan báo chí lên tiếng, với hy vọng lãnh đạo huyện Đô Lương và tỉnh Nghệ An biết được nỗi khổ của người dân nơi đây.

Đơn thư kiến nghị có chữ ký của gần trăm hộ dân  phản ánh về tình hình ô nhiễm tại xóm Đô Sơn do nhà máy xi măng Sông Lam gây ra.

Nhận được đơn kiến nghị của người dân xã Bài Sơn phản ánh về tình hình ô nhiễm nghiêm trọng do NMXM Sông Lam gây ra, phóng viên Môi trường và Cuộc sống đã tìm về nơi đây để tìm hiểu vụ việc. Theo sự phân công của chủ tịch UBND xã ông Nguyễn Hữu Quang, ông Thái Văn Hòa cán bộ địa chính và ông Trần Ngọc Hiền xóm phó xóm Đô Sơn dẫn chúng tôi đi thực tế tại hiện trường .

Nhà máy xi măng Sông Lam bị người dân tố cáo trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân 

Xóm Đô Sơn nằm lọt thỏm dưới chân NMXM Sông Lam, bên bờ ta luy được trồng lưa thưa những cây xanh còn nhỏ, dường như chưa đủ sức để chống chọi với sự xói mòn của mưa gió và bão lụt. Thoáng nhìn, nhà máy trông như cái lô cốt boong ke khổng lồ án ngữ trên điểm cao ngày đêm gieo rắc nỗi bất an cho người dân về cuộc sống ô nhiễm thường ngày.

Chị Hoàng Thị Sáu, nhà ở gần nhà máy chia sẻ: “Khổ lắm chú ơi, hồi nhà máy mới xây dựng, người dân chúng tôi mừng vui, hy vọng đổi đời bao nhiêu thì bây giờ lo lắng thất vọng bấy nhiêu. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, tiếng ồn của xe chở đá và tiếng dây chuyền băng tải nghiền đá nghe ồn ào như tiếng nhạc vũ trường không lúc nào ngớt. Nhất là vào ban đêm, tiếng ồn lại càng lớn khiến người già mất ngủ, trẻ em giật thột ngủ không yên giấc. Riêng bản thân tôi thì mắc chứng rối loạn tuần hoàn não mấy tháng nay. Ngoài ô nhiễm bụi đá, bụi đất,nguy hại hơn nữa là vào những ngày mưa, nước bẩn từ trên nhà máy mang theo đất, đá vụn, bùn nhão rót xuống vườn nhà, ngấm vào giếng nước sinh hoạt không sử dụng được”.

Đối với người dân nông thôn nơi đây, nước giếng là nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt ăn uống hàng ngày, bởi họ không có nước máy. Nhưng từ khi NMXM Sông Lam đi vào hoạt động, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm dần khiến các giếng nước ngọt của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề.Trường hợp như gia đình chị Sáu không phải là cá biệt, bởi ở xóm Đông Sơn có rất nhiều gia đình khác cũng đều chịu cảnh ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Ông Lộc đang chỉ tay xuống giếng nước bị ô nhiễm của gia đình mình

Chúng tôi gặp ông Tăng Xuân Lộc 86 tuổi tại nhà riêng lúc ông vừa mới đi xin can nước sạch về nấu cơm, vì giếng nhà ông bị ô nhiễm không dùng được nên bỏ hoang. Bà Đào Thị Thành 84 tuổi, vợ ông Lộc đau ốm liên miên, người nhà bảo bà bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng nghi do trước đây dùng nước giếng này. Ông Lộc nói trong hơi thở gấp gáp: “ Nguy to các chú à, cuộc sống đang yên đang lành, tự nhiên nhà máy mọc lên làm cho mọi thứ đảo lộn”. Cũng chính vì quá bức xúc, nên ông Lộc đã viết Đơn kiến nghị gửi cơ quan báo chí, các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết xử lý: “ Gia đình tôi ở xóm Đô Sơn, chỉ cách NMXM Sông Lam khoảng từ 200-300 mét. Vì vậy hoạt động của nhà máy xi măng rất ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của chúng tôi và nhân dân địa phương, nhất là nước giếng đục ngầu, mùi hôi, trở màu, không sử dụng được. Nước mưa dội từ nhà máy xuống đỏ ngầu cả vườn ruộng của dân khu vực xóm…”.

Tại nhà ông Trương Đình Chiến và bà Nguyễn Thị Thường nước giếng ngày xưaluôn trong veo, giờ cũng ngả màu vàng nhạt, gia đình ông đành phải xin nước nơi khác về để ăn uống.

Ông Chiến đang cầm trong tay chai nước đổi màu múc ở giếng nhà lên

Giếng nhà chị Nguyễn Thị Tám tuy nước không đục bằng các giếng của hộ dân khác, nhưng lúc đun sôi lên lại có mùi hắc nồng khó chịu như mùi thuốc trừ sâu. Khi thấy phóng viên đến, chị Tám mừng ra mặt, chị nói: “Chúng tôi kêu nhiều rồi nhưng ô nhiễm vẫn là ô nhiễm thôi chú ạ, vì vậy chúng tôi muốn mời nhà báo ở đây lâu hơn để tìm hiểu viết bài giúp dân thì tốt quá ”.

Giếng nước đen ngòm của một hộ dân khác tại xóm Đô Sơn

Chị Sáu cho biết thêm : “Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, mỗi khi mưa, nước từ khu vực nhà máy ở trên cao trút xuống dồn ứ cục bộ tại khu vực xóm. Do không có chỗ thoát nên nước chảy vào nhà dân, một lượng nước còn lại kèm theo bùn đất thì gh chảy xuống ruộng, xuống mương ảnh hưởng đến công việc sản xuất của bà con. Ngoài ra khói bụi, nước xả thải, thậm chí cả chất thải của công nhân nhà máy đi vệ sinh cũng chực chờ đe dọa ô nhiễm môi trường cuộc sống của chúng tôi”.

Vì sao nước giếng của người dân địa phương lại bị ô nhiễm như vậy? Để khẳng định nguyên nhân chính xác thì phải chờ các cơ quan chức năng chuyên môn như quan trắc, môi trường, các nhà “nước học” kiểm tra và kết luận. Tuy nhiên, có một sự thật rõ ràng là nguồn nước bị ô nhiễm nơi đây chỉ xuất hiện sau khi NMXM Sông Lam đi vào hoạt động.

Sự ô nhiễm này phù hợp với kết quả đo đạc mẫu nước thải của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An lấy tại NMXM Sông Lam sau hệ thống xử lý nước thải tập trung, trước khi thải ra môi trường thì thông số Coliforms vượt 17, 4 lần so với QCVN. Vi khuẩn coliforms là một loại vi khuẩn gram kỵ khí phổ biến và tồn tại được trong nhiều môi trường khác nhau như đât, nước ảnh hưởng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người liên quan đến các bệnh về đường ruột, tiêu hóa…

Rất đông người dân tập trung tại nhà chị Tám để phản ánh ô nhiễm môi trường

Khi xây dựng một nhà máy, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là phương án xử lý và bảo vệ môi trường theo Lật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vì tiết kiệm vốn đầu tư và tăng lợi nhuận kinh doanh nên rất nhiều đơn vị đã bỏ qua hoặc cắt xén kinh phí dành cho bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, mùi, khói bụi…bởi vì những khoản đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường thường chiếm tỷ lệ không nhỏ trong chi phí đầu tư xây dựng dự án.

Ở một diễn biến khác, theo kết quả kiểm tra và đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trườngtỉnh Nghệ An tại Kết luận số 8065 ngày 28/12/2018, thì hệ thống xử lý nước thải tập trung của Nhà máy xi măng Sông Lam chạy vận hành chưa hiệu quả. Nhà máy chưa hoàn thành xây dựng cơ bản các hạng mục như hạ tầng thoát nước tại khu vực Tây Bắc của nhà máy, hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn và hệ thống xử lý nước sinh hoạt.

Với thực trạng của NMXM Sông Lam như hiện nay, người dân xóm Đô Sơn nói riêng, xã Bài Sơn nói chung và các khu vực lân cận của huyện Đô Lương đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh ô nhiễm môi trường?. Và cuộc sống yên bình với môi trường xanh – sạch – đẹp như ngày xưa liệu có quay trở lại với người dân nơi đây nếu nhà máy xi măng Sông Lam còn hiệu hữu ở nơi này?.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Kế Hùng

Bài liên quan
  • Bài 2: Chủ tịch UBND quận 12 ở đâu, khi để hàng loạt doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm môi trường?
    Moitruong.net.vn – Mặc dù, công ty Lâm Gia, Gia Hân tại Cụm CN Hiệp Thành và công ty TNHH Thương Mại – Chế biến nông lâm sản Thịnh Phú tại Khu phố 7, đường Lê Văn Khương, phường Thới An, quận 12 hoạt động liên tục nhiều năm xả khí thải, nước thải không qua xử lý ra môi trường. UBND thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều Quyết định xử phạt rất nghiêm khắc đối với các đơn vị trên. Tuy nhiên, điều khiến dư luận không khỏi hoài nghi về năng lực, quản lý của lãnh đạo chính quyền quận 12 quá yếu kém? Vì đến nay, các doanh nghiệp vi phạm trên vẫn vô tư hoạt động xả nước thải, khí thải, mùi hóa chất nồng nặc ra môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Bài 1- Người dân đang “chết mòn” vì sống cạnh Nhà máy xi măng Sông Lam ô nhiễm