Nghệ An: Chương trình hành động của một số ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV

Kế Hùng|19/05/2021 12:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước thềm bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn trân trọng đăng tải Chương trình hành động của một số ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 15.

  1. Họ và tên: THÁI THANH QUÝ
  • Ngày, tháng, năm sinh: 19/4/1976
  • Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An ông Thái Thanh Quý

Nếu vinh dự được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, tôi xin thực hiện chương trình hành động của mình như sau:

Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ về các mặt, nhất là bản lĩnh, kỹ năng nghị trường của người đại biểu nhân dân; gương mẫu giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác; thường xuyên giáo dục, nhắc nhở gia đình chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có quan hệ tốt với bà con ở khu dân cư và đồng chí, đồng nghiệp nơi làm việc; không làm những việc ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người đảng viên, người đại biểu Quốc hội.

Thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe, tập hợp, kiến nghị, phản ánh đầy đủ, khách quan, kịp thời các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri tới Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu giải quyết; theo dõi, giám sát quá trình giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Thứ hai, tích cực nghiên cứu, nắm bắt thông tin thực tế, phát hiện và kiến nghị với Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, đảm bảo nghiêm minh, tính khả thi cao, hạn chế những bất cập, thiếu sót trong pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Thứ ba, nghiên cứu, tham gia đề xuất xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và của địa phương, trong đó tập trung các vấn đề ưu tiên: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nhất là về văn hóa, y tế, giáo dục, việc làm, phúc lợi, an sinh, giảm nghèo bền vững, quyền con người; phát triển kinh tế khu vực miền núi, dân tộc, biên giới, ven biển, biển đảo gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư: Gắn với chức trách, nhiệm vụ công tác là Bí thư Tỉnh ủy, tôi sẽ cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực chỉ đạo thực hiện hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đã xác định ở mức cao nhất, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên, sẽ tập trung thực hiện ba đột phá phát triển của tỉnh đó là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính; đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm nhất là về giao thông, cảng biển, khu công nghiệp gắn với đô thị, dịch vụ, nhằm thu hút các dự án trọng điểm, có tính động lực góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Tôi xin hứa sẽ cố gắng thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, người đại biểu nhân dân và chương trình hành động của mình đã đề ra.

Tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và tín nhiệm của cử tri và toàn thể nhân dân./.

2. Họ và tên: THÁI VĂN THÀNH

  • Ngày, tháng, năm sinh: 10/1/1969
  • Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Bí thư Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV.

Giáo sư Tiến sỹ Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An

Tôi xin hứa và  thực hiện chương trình hành động của mình như sau:

Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với Nhân dân và Hiến pháp. Không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là về bản lĩnh, kỹ năng nghị trường của Người đại biểu nhân dân. Gương mẫu giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống, kiên quyết đấu tranh, chống tham những và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có quan hệ tốt với bà con khu dân cư, với đồng chí, đồng nghiệp ở nơi làm việc. Không làm những việc ảnh hưởng đến uy tín danh dự của người Đảng viên, người Đại biểu Quốc hội.

Thứ hai, tham gia đầy đủ, có chất lượng các kỳ họp của Quốc hội. Gắn bó sâu sát và thường xuyên với cử tri tỉnh Nghệ An và cử tri của đơn vị bầu cử. Tích cực nghiên cứu, nắm bắt thông tin thực tế, phát hiện và kiến nghị với Quốc hội từng bước, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong giai đoạn hội nhập hiện nay, phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó tập xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp các cấp: góp phần làm cho Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập Hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề về đối nội, đối ngoại, về kinh tế – xã hội, giáo dục và đào tạo, an ninh – quốc phòng và các vấn đề quan trọng khác của đất nước; giám sát tối cao các hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thứ ba, với cương vị là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện cho khối Giáo dục và Đào tạo – Khoa học và Công nghệ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ cùng ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Quốc hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các nội dung:

Một là: Tập trung xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, định hướng năm 2030. Tiếp tục rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh theo hướng khoa học, tinh gọn, đáp ứng yêu cầu đổi mới phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tập trung ưu tiên nguồn lực nhà nước, xã hội hóa để phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hai là: Tham mưu và thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Khoa học và Công nghệ; cũng như tham mưu ban hành cơ chế chính sách, nhằm phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng mũi nhọn, gắn với phát triển kinh tế của địa phương. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà ở vùng dân cư còn gặp nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Ba là: Tiếp tục tham mưu các cơ chế, chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển các mô hình trường trọng điểm chất lượng cao, trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo cơ hội học tập, được tiếp cận mô hình giáo dục chuẩn quốc tế cho con em nhân dân Nghệ An; chú trọng mô hình phát huy giá trị truyền thống văn hóa, phẩm chất tốt đẹp và từng bước quốc tế hóa những giá trị văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Nghệ.

Bốn là: Tham mưu cơ chế chính sách tạo động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm là: Quan tâm phát triển nguồn nhân lực trí thức, tạo điều kiện cho đội ngũ tri thức, nhà khoa học tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào thực tiễn, phát minh sáng chế, khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra việc làm cho xã hội, thúc đẩy các dự án gắn kết nghiên cứu giữa nhà khoa học, người nông dân để thực hiện thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng hiện đại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tham mưu các cơ chế chính sách từng bước tham mưu đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo, nhất là nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Sáu là: Tập trung nguồn lực để tác động khoa học và công nghệ cho một số sản phẩm chiến lược của tỉnh, nhất là nông nghiệp, dược liệu. Thực hiện chương trình 100 sản phẩm hàng hóa có tác động của khoa học và công nghệ trên địa bàn toàn tỉnh gắn với thương hiệu Nghệ An, tạo tiền đề cho triển khai thực hiện thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Tạo được một số sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, khối lượng lớn và thương hiệu mạnh từ KH&CN bằng việc ứng dụng mạnh công nghệ sinh học và gắn kết công nghệ khác (công nghệ thông tin, tự động hóa…); Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu y học hiện đại, để phục vụ người dân, nâng cao đời sống và chất lượng sống cho nhân dân.

Bảy là: Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chương trình cụ thể kiên quyết thực hiện công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi giải quyết công việc của người dân nhanh gọn, tránh phiền hà, sách nhiễu với nhân dân.

Với những chương trình tâm huyết của mình, tôi mong cử tri của tỉnh, huyện nhà lựa chọn, bầu tôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV để tôi được thực hiện nhiệm vụ của mình trước cử tri.

3. Họ và tên: VI VĂN SƠN

  • Ngày, tháng, năm sinh: 15/ 9/1973
  • Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, ông Vi Văn Sơn

Tôi hết sức vinh dự được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giới thiệu, hiệp thương; được cử tri nơi công tác và nơi cư trú tín nhiệm giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ ra sức học tập, phấn đấu trau dồi mọi mặt để thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu nhân dân, qua đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

    1. Tôi sẽ cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nghiên cứu góp phần vào việc xây dựng, sửa đổi, ban hành các luật, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong đó, quan tâm đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường…
    2. Tăng cường tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là các nội dung liên quan đến hoạt động của cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương để thực hiện quyền giám sát và quyền chất vấn, kiến nghị của đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, quan tâm giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
    3. Tôi sẽ cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ khi quyết định những chủ trương lớn về phát triển kinh tế cần đi đôi với các vấn đề an sinh xã hội, xóa nghèo bền vững; quan tâm tạo cơ chế cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn để các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển nhanh hơn, hạn chế đến mức thấp nhất khoảng cách giàu – nghèo; quan tâm các chính sách đào tạo, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân miền núi và người dân tộc thiểu số. Nghiên cứu kiến nghị để có chính sách thỏa đáng cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng; vùng bị ảnh hưởng bởi các thủy điện; vùng biên giới; đề xuất cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục.
    4. Là người đứng đầu ngành công tác dân tộc của tỉnh, tôi trăn trở làm thế nào để người dân miền núi nói chung có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên. Những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án cho vùng miền núi, vùng dân tộc của tỉnh nhưng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Do đó, cần quan tâm phát triển kinh tế – xã hội của các địa bàn miền núi Nghệ An một cách toàn diện. Ngoài chính sách chung của cả nước, kiến nghị tỉnh có những chính sách đặc thù cho các huyện, thị miền núi, coi đây là động lực thúc đẩy các địa phương phát huy nội lực.

    Đồng thời tôi sẽ tham mưu thực hiện đúng các chính sách của Đảng, Nhà nước cho đồng bào vùng miền núi, dân tộc; tập trung tuyên truyền, vận động các dân tộc đoàn kết, chấp hành pháp luật, bảo tồn bản sắc văn hóa, xóa nghèo bền vững, xây dựng địa phương, cộng đồng ngày càng tiến bộ. Tiếp tục kiến nghị phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất, hệ thống điện lưới; phát triển thiết chế văn hóa ở cơ sở. Phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả./.

Kế Hùng

Bài liên quan
  • Can Lộc (Hà Tĩnh): Sẵn sàng cho “Ngày hội non sông”
    Moitruong.net.vn – Chỉ còn gần một tuần nữa, cử tri cả nước sẽ cầm trên tay lá phiếu của mình để thực hiện quyền và nghĩa vụ trong việc sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân vào Quốc hội và HĐND các cấp. Để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, thời gian này, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang tích cực chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nghệ An: Chương trình hành động của một số ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.