Nghệ An: Giải bài toán chống ngập úng đô thị thành phố Vinh

Hoàng An|07/10/2022 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm gần đây tình trạng úng ngập tại TP. Vinh diễn ra trầm trọng. Nhiều tuyến đường, nhà ở dân cư nhiều vùng ngập sâu 0,5 đến 1m gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng giao thông đi lại, sản xuất và đời sống của Nhân dân.

Nguyên nhân gây ngập úng

Những năm gần đây, vào mùa mưa, hiện tượng ngập úng tại những tuyến đường ngay giữa trung tâm TP. Vinh như Đại lộ Lê-nin, Nguyễn Thị Minh Khai, Đặng Thái Thân, Quang Trung, Hồng Bàng, Nguyễn Văn Cừ, Phan Bội Châu,… đã trở nên quá quen thuộc, nhiều phương tiện di chuyển khó khăn, gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Trước hết, xét về nguyên nhân gây úng ngập trên địa bàn thành phố Vinh trong thời gian qua là do các yếu tố sau:

Thứ nhất, lượng mưa trung bình nhiều năm tại Vinh là 2043 mm. Tổng lượng trong 5 tháng mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 11) tại Vinh chiếm 74%, còn lại là mùa khô. Tần suất lượng mưa ngày lớn nhất thời kỳ 1960 -2015 tại Vinh XP1% là 599,7mm. Do biến đổi khí hậu, tuy lượng mưa năm ít biến đổi nhưng cường độ mưa ngày có xu hướng tăng cao từ 12 - 19% làm cho đỉnh lũ xuất hiện cao hơn, cộng hưởng với biến đổi khí hậu nước biển dâng án ngự các cửa tiêu tự chảy ra sông, ra biển.

ngap-ung.jpg
Các đơn vị thi công đang tiến hành dự án nâng cấp hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn trước cổng Sở Công Thương

Thứ hai, kênh tiêu Bắc thành phố Vinh theo quy hoạch đã được phê duyệt, song chưa được thực hiện và kết cấu hạ tầng tiêu úng không còn phù hợp.

Thứ ba, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa. Theo tính toán sơ bộ thì diện tích đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng 15% thì lưu lượng cần tiêu tăng lên gấp đôi. Vì vậy các công trình tiêu úng trước đây đến nay đều không thể đáp ứng được. Mặc khác, việc đấu nối hệ thống tiêu thoát nước các khu dân cư, nhà cao tầng xây dựng mới không được quan tâm kiểm tra nên có hiện tượng làm tùy tiện gây ách tắc dòng chảy.

Thứ tư, trên các trục tiêu chính thì các cầu, cống trên các tuyến đường mới xây dựng cắt qua làm thu hẹp tiết diện, hệ thống các kênh nhánh tiết diện hẹp so với yêu cầu. Hệ thống kênh tiêu các cấp bị bồi lấp do bèo rác, rửa xe các loại.v.v… Chính vì vậy mà trạm bơm tiêu phía Nam thành phố nhiều năm chỉ bơm được 4/6 máy vì trạm bơm phải chờ nước đến.

Thứ năm, việc lấn chiếm hành lang thoát lũ đã gây ra lũ nhân tạo. Phía Nam cầu Cấm đã và đang xây dựng nhiều loại công trình, đây là trục tiêu úng chủ lực trong vùng nhưng bị thu hẹp tiết diện. Theo quan sát, sau tạnh mưa 3 ngày, nhiều vùng trong thành phố Vinh và Nghi Lộc vẫn bị ngập nặng. Chỉ khoảng 300m trên sông Cấm ở phía nam cầu Cấm chênh lệch mực nước đến khoảng 0,4m.

Thứ sáu, công tác quản lý chưa tốt, chưa chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống bão, lụt.

Cần giải pháp hữu hiệu


Theo các chuyên gia, TP. Vinh cần có quy hoạch hệ thống thoát nước, kênh, mương, trạm bơm gắn với xử lý nước thải. Tập trung thu hút các nguồn vốn để lập kế hoạch ưu tiên công trình cấp bách tiêu thoát nước; tập trung bảo trì các công trình kênh, mương thoát nước. Thoát nước phải được nghiên cứu đồng thời với quá trình xây dựng đô thị. Ngoài giải pháp tổng thể, cần có những giải pháp chi tiết cho từng dự án, từng khu đô thị, từng công trình cụ thể.

Đồng thời, lập bản đồ cơ sở dữ liệu hệ thống tiêu bao gồm sơ đồ các tuyến tiêu, phân vùng tiêu, hướng tiêu khẩu độ, cao độ cho hệ thống tiêu; phục vụ cho công tác nghiên cứu, vận hành, đầu tư xây dựng công trình tiêu. Đặc biệt, TP. Vinh cần phối hợp tốt hơn với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc đầu tư tài chính cho các công trình tiêu thoát nước, tiêu thoát lũ. Được biết, hiện nay, thành phố đang vận động nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới để kè sông Vinh, xây dựng các hạng mục đấu nối vào sông Vinh, đầu tư một số tuyến đường trọng điểm.

Thành phố cũng đang tiến hành lập quy hoạch chuyên ngành thoát nước (có lồng ghép kịch bản biến đổi khí hậu) làm cơ sở để từng bước đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước. Khi phê duyệt, thỏa thuận các dự án khu đô thị mới hay các dự án có liên quan đến san lấp mặt bằng làm thay đổi dòng chảy, địa hình, địa mạo... cần phải yêu cầu chủ đầu tư có giải pháp thoát nước trước mắt cho các khu vực xung quanh.

Bên cạnh đó, bổ sung các hố thăm mương cấp I, mương kín nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, vận hành; kiểm tra bổ sung các hố thu nước mặt đường; xử lý các lưới chắn rác dọc kênh Bắc... Khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình: Nâng công suất, mua máy phát điện dự phòng cho các trạm bơm Tây Nam, trạm bơm Bến Thủy, trạm bơm phía Nam, kè hồ điều hòa Bến Thủy.

Bài liên quan
  • Nghệ An ấm lòng bữa cơm yêu thương cho học sinh vùng lũ
    Những bữa cơm tình thương được trường Trường THPT Thanh Chương 3 (Nghệ An) chuẩn bị cho toàn bộ những gia đình học sinh bị ngập lụt, gặp khó khăn và những học sinh điều kiện đi lại còn có nguy cơ mất an toàn trong vùng lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nghệ An: Giải bài toán chống ngập úng đô thị thành phố Vinh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.