(Moitruong.net.vn) – Hiện có hơn 700ha nhiễm rầy, trong đó có 20ha nhiễm nặng, với mật độ phổ biến từ 50 – 100 con/m2, nơi cao 100 – 1.500 con/m2, cục bộ 2.000 – 3.000 con/m2. Tập trung ở các xã như Tân Thành, Khánh Thành, Phú Thành, Nhân Thành.
Rầy nâu, rầy lưng trắng gia tăng gây hại 12.500ha lúa
Do thời tiết đang diễn biến phức tạp, nắng nóng và mưa nhiều, với điều kiện nóng ẩm, các loài rầy rất dễ phát sinh và bùng phát. Tuy nhiên cây lúa đang giai đoạn đầu vụ, chỉ nên phun nếu mật độ vượt ngưỡng gây hại kinh tế, bằng các loại thuốc có tính chọn lọc cao, ít ảnh hưởng đến các loài thiên địch trên ruộng lúa, thông tin trên Nông ngiệp.
Khuyến cáo phun trừ trên những diện tích có mật độ rầy cao, có khả năng ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của lúa, trên diện tích có mật độ rầy 1.000 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc có tính chọn lọc như Thiamethoxam (Actara 25WG…), Pymetrozine (Chess 50WG…), Acetamipride (Sutin 50SC…), Dinotefuran (Oshin 20WP…).
Cần chú ý đến hiện tượng gối lứa, vì đợt bùng phát rầy đầu vụ năm nay, chủ yếu diễn ra tại các xã nhiễm rầy cuối vụ ĐX vừa qua. Do đặc thù các vùng trũng, nông dân phải gieo mạ trước lúc gặt, cấy sớm ngay sau khi thu hoạch lúa xong để kịp chạy lũ ngập vào mùa mưa cuối vụ HT, đây là điều kiện thuận lợi để rầy chuyển tiếp vụ và phát sinh gây hại.
Trong trường hợp mật độ dưới 1.000 con/m2, nếu điều tra thấy nhiều rầy chửa (bụng to béo, di chuyển chậm) và trên bẹ lá lúa có nhiều vết rách thâm nhỏ chưa khô (ổ trứng rầy). Hoặc nhiều rầy cánh ngắn (đặc trưng gây hại) thì nên phòng trừ vì nguy cơ bùng phát dịch cao.
Minh Sơn