Mấy năm gần đây, khu vực Tân Đông (phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), bị nhiễm mặn nặng nề, năng suất lúa giảm dần. Vụ xuân 2017, nhiều hộ đã không thể gieo mạ cấy được.
Cánh đồng Đập Mạ có nguy cơ bỏ hoang vì nhiễm mặn
Năm 2014, khi UBND TX Hoàng Mai thi công trụ sở làm việc tại phường Quỳnh Dị, xây dựng các tuyến đường nối các cơ quan đơn vị thì vùng Đập Mạ bị nhiễm mặn.
Gia đình bà Văn Thị Lợi TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cho biết: “Nhà tôi trồng 4 sào lúa (500 m2/sào), năng suất lúa trên dưới 3 tạ và 2 sào thuốc lào, năng suất thuốc lào khô đạt 2,5 – 2,7 tạ/sào. Nhưng khi thi công tuyến đường qua đây, hệ thống nước tưới tiêu của vùng Đập Mạ bị biệt lập, biến dạng, muốn lấy nước vào ruộng rất khó khăn, chưa mưa đã ngập úng, chưa nắng đã khô, nước bị nhiễm mặn, năng suất lúa giảm còn 1/2. Cây thuốc lào phát triển kém, đến ngày thu hoạch, nắng lên là cháy sạch.
Những vụ trước còn được 1,5 tạ lúa/sào nhưng vụ xuân năm nay thì nước mặn quá, chăm kiểu gì mạ cũng vàng khè, rễ đen, cấy xuống được vài bữa là héo hon rồi chết dần, chết mòn, không biết gia đình tôi sẽ lấy gì mà ăn”, bà Lợi nói.
“Thấy ruộng nhiễm mặn, tôi đi gieo nhờ mạ ở ruộng nhà người thân, chờ khi có nước sẽ rửa mặn để cấy. Nhưng để lấy được nước phải qua hàng km, mương dẫn nước bị bồi lắng, biến dạng. Mạ già rồi, trong khi những hộ bên kia đường đã cấy thì gia đình tôi đang đứng ngôi không yên vì sợ cấy rồi cũng được vài hôm thì lúa chết hết” ông Phan Hữu Triết chia sẻ.
Bãi tập kết cát của đơn vị thi công nằm bên cạnh cánh đồng Đập Mạ
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng Đâp Mạ, bà con ở đây cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến ruộng đồng bị nhiễm mặn là do bãi tập kết cát hàng nghìn m3 của đơn vị thi công rỉ nước mặn xuống cánh đồng. Trên nền đất dưới chân bãi tập kết cát để lại một lớp màng mỏng, màu trắng, có vị mặn. Người dân ở đây cho biết đó là muối trắng.
Sử dụng dụng cụ đo độ mặn của nước dùng trong nuôi tôm, người dân đo mẫu nước dưới chân ruộng, độ mặn từng vị trí dao động từ 5 – 20%o. Nước đọng lại dưới chân bãi cát đo được độ mặn dao động từ 33 – 35%o, gần bằng độ mặn mẫu nước lấy từ sông Hoàng Mai.
Đất xung quanh bãi tập kết nhiễm mặn
Theo thống kê của người dân, khối Tân Đông có 14 hộ bị ảnh hưởng nặng do đất nông nghiệp nhiễm mặn với tổng diện tích khoảng 2ha. Nhiều hộ trong số này hiện chưa có nước hoặc độ mặn cao không thể cấy. Ngoài ra còn có 41 hộ khác bị ảnh hưởng nhẹ, một số đã cấy nhưng vẫn phấp phỏng lo vì lúa vừa cấy có dấu hiệu héo chết. Người dân yêu cầu đơn vị thi công di dời bãi tập kết cát; Chủ đầu tư đền bù, hỗ trợ thiệt hại, cải tạo ruộng lúa. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 4 hộ được nhận nguồn hỗ trợ với tổng số tiền 5,3 triệu đồng.
Một số hộ dân còn phản ánh, đơn vị thi công đường, quá trình đầm nén đã khiến một số ngôi nhà sát đường bị rạn nứt, hư hỏng. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, đo đếm, lập biên bản nhưng đến nay cũng chưa có hồi âm gì trong khi các gia đình đang thấp thỏm lo.
Ông Văn Huy Thắng, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Dị cho rằng, nguyên nhân gây nứt nhà chưa thể khẳng định. “Vừa rồi đơn vị thi công đã về làm việc. Nếu xác định đúng nguyên nhân nhà nứt là do thi công công trình thì họ sẽ đền bù hỗ trợ người dân. Vùng Đập Mạ trước đây là đất đồng muối cải tạo, giao cho dân, năng suất thấp. Mặt trên là đất sản xuất nông nghiệp nhưng sâu phía dưới, đất vẫn còn nhiễm mặn. Khi thi công công trình, làm đường, đơn vị thi công đã bóc phong hóa một lớp đất mặt dưới, nước tràn xuống ruộng gây nhiễm mặn.
Cùng với đó, hệ thống mương cấp thoát nước bị biến dạng, khó khăn cho việc cấp thoát nước khiến việc rửa mặn khó khăn. Chúng tôi cũng đang chờ đưa nước vào rửa mặn để nông dân sản xuất. TX Hoàng Mai cũng đã chỉ đạo đơn vị thi công di chuyển bãi cát, mong người dân chia sẻ những khó khăn của chính quyền TX khi mới thành lập…”.
Tuy nhiên, những người cao tuổi ở Tân Đông khẳng định, dù vùng Đập Mạ trước đây là đồng muối nhưng sau gần 20 năm cải tạo trồng lúa, năng suất đã đạt trên dưới 3 tạ/sào, tầng sâu cũng không còn nhiễm mặn nữa.
Minh Dương