Nghị quyết về cơ chế phát triển đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chính thức được thông qua

Phong Anh|19/02/2025 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với 100% đại biểu tán thành, Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chính thức được thông qua trong phiên họp sáng nay.

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng nay (19/2), với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Phiên họp sáng nay do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung.

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý và giải trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

19-qhds.jpg
100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành

Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả, 459/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 100%), như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm

Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 11 Điều và 01 Phụ lục, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Thành phố).

Về huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư, Nghị quyết quy định, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỷ đồng cho thành phố Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 tỷ đồng cho Thành phố Hồ Chí Minh trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.

19-qhds1.jpg
Các đại biểu tham gia Phiên họp

Việc phân bổ vốn quy định tại điểm này được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác; trường hợp sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm thì không phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước…

Ủy ban nhân dân Thành phố được quyết định cân đối, bố trí vốn

Hội đồng nhân dân Thành phố có trách nhiệm cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách địa phương làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến.

Ủy ban nhân dân Thành phố được quyết định bố trí vốn từ ngân sách Thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm trước khi có quyết định đầu tư để triển khai thực hiện một số hoạt động phục vụ cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.

Nghị quyết quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; quy định về phát triển đô thị theo mô hình TOD; Phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực…

Nghị quyết cũng có các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh, như: Trong khu vực TOD, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được thu và sử dụng 100% đối với các khoản thu sau đây để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng; Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định chi tiết phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu quy định tại khoản 1 Điều này bảo đảm không trùng thu với các loại thuế, phí khác; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, trường hợp vượt quá 120% thì Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức dư nợ vay phù hợp theo nhu cầu thực tế của Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nghị quyết về cơ chế phát triển đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chính thức được thông qua
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.