Trong buổi Toạ đàm “Làm tổ cho đại bàng nội” tổ chức vào chiều 5/3, ở TP.Hạ Long (Quảng Ninh), bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết Tổng cục đã bàn về chương trình mở cửa từng bước một với thị trường quốc tế.
Chương trình này sẽ xem xét mở cửa với những thị trường đảm bảo các tiêu chí như lượng khách đông, đi tour trọn gói, có cam kết về tiêm vaccine, cách ly.
Ngoài ra, các điểm đến phải thuận tiện với ngành hàng không. Các khu du lịch nghỉ dưỡng phải có phạm vi độc lập, cung cấp nhiều dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách.
Ảnh minh họa.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Tiến – phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội – cũng cho rằng với nhiều quần thể du lịch khép kín đã được đầu tư trên cả nước hiện nay, các Bộ, ngành nên sớm kiến nghị Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí để sớm khởi động lại du lịch ở những vùng an toàn.
Trong khu vực ASEAN, Thái Lan cũng đã thông báo mở lại thị trường du lịch quốc tế từ tháng 7/2021.
Singapore đón khách quốc tế có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và Indonesia cũng đã công bố sẽ mở cửa Bali với “Hành lang không COVID”, Chính phủ Indonesia đồng thời sẽ triển khai gói vay ưu đãi với tổng trị giá 670 triệu USD nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch Bali…
Trong 2 tháng đầu năm 2021, chỉ có 28.700 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án và người nhập cảnh vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.
Hiện cả nước có khoảng 2.300 doanh nghiệp lữ hành và 30.000 cơ sở lưu trú. Hầu hết doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch, nhiều doanh nghiệp mong muốn sớm mở cửa lại cho khách quốc tế.
Minh Hoàng