“Người thầy viết chữ đẹp bằng miệng” và hành trình vượt lên số phận

Thu Hoài|19/11/2021 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều năm nay, căn nhà nhỏ ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến A, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chưa bao giờ ngớt tiếng đọc sách, giảng bài của một lớp học miễn phí. Chủ nhân của lớp học đặc biệt ấy chính là anh Phùng Văn Trường – “người thầy viết chữ đẹp bằng miệng”.

Sinh ra trong một gia đình đông con ở thôn Nhân Lý, anh Trường cũng lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, khi các bạn đến tuổi biết đi, biết chạy nhảy thì anh lại không thể làm được những điều đó, đôi tay và đôi chân của anh cứ thế yếu dần và rồi không thể tự mình cử động. Cuối cùng, bác sĩ kết luận anh mắc phải căn bệnh thoái hóa cơ quái ác, phải ngồi xe lăn để di chuyển.

Nhớ lại khoảnh khắc bắt đầu nhận ra sự khác biệt giữa mình và bạn bè, đôi mắt anh Trường không giấu được nỗi buồn. Đối với nhiều người, điều này đồng nghĩa với việc mở ra một cuộc đời bất hạnh.

Căn nhà nhỏ nơi có lớp học đặc biệt của anh Trường

May mắn thay, gia đình anh đã không bỏ cuộc. Gia đình cố gắng chạy chữa để anh được đến trường suốt 8 năm, mỗi ngày đi học tất cả hoàn toàn dựa vào tấm lưng của bạn bè, người thân. Nhưng đến cuối cùng, vì sức khỏe không cho phép, anh đành gác lại việc đến trường, niềm khát khao duy nhất của cậu bé thông minh, ham học. “Tôi vô cùng  may mắn sống trong gia đình yêu thương, ông bà bố mẹ đưa đi học, về nhà không cầm được bút thì bố tôi cố gắng kẹp bút, lên lớp 2 mới biết viết được, bố tôi cứ kèm học tôi, năm này qua tháng nọ”. – Anh Trường bộc bạch.

Viết chữ bằng miệng và hành trình vượt lên số phận

Những năm 2009-2010, anh Trường xin gia đình mở một hàng tạp hóa nhỏ để tự nuôi sống bản thân. Buồn vì không thể tự ghi chép sổ sách thu chi, anh quyết tâm tập viết chữ bằng miệng. “Thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân, chân tay tôi không viết được thì tôi viết bằng miệng”.

Nghĩ là làm, anh bắt đầu những nét bút chật vật đầu tiên bằng cách ngậm bút bằng răng cửa. Những lần đầu tiên, bút chọc thẳng vào họng làm anh buồn nôn, thậm chí chảy cả máu. Cả ngày cúi sát xuống vở tập viết, đến khi ngẩng lên là đau vai mỏi cổ, không thể cử động được. Những trang giấy lúc ấy thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, và một nghị lực tuyệt vời. Về sau, anh Trường đổi cách “cầm” bút, dùng răng hàm, răng cửa làm những ngón tay kẹp chặt lấy bút còn cổ dùng để điều khiển bút đi ngang, đi dọc trên trang giấy. Tập luyện ròng rã hơn một tháng trời, anh bắt đầu viết được những dòng chữ ngay ngắn đầu tiên.

Thầy giáo Phùng Văn Trường với hành trình viết “cuộc đời” bằng miệng

Từ đó, mỗi ngày anh đều soạn các mẫu chữ, các phép toán để dạy cho cháu (con của em gái) học bài. Sau đó mọi người thấy anh dạy học tốt nên mang con đến gửi, dần dần số lượng lên đến 10,15 rồi 20 em.

Lớp học chủ yếu dạy kiến thức cơ bản của bậc tiểu học, mỗi ngày có khoảng hơn 20 – 25 em được phụ huynh gửi nhờ anh kèm học và luyện chữ, chia làm 2 buổi sáng chiều. Dù phải di chuyển trên chiếc xe lăn và sức khỏe không tốt mỗi khi trái gió trở trời, anh Trường vẫn kiên nhẫn chỉ tận tình từng cháu một.

Nét chữ viết bằng miệng của anh Trường khiến người xem phải thán phục

“Nhiều em đến đây không biết gì cả. Lớp 4 rồi vẫn viết chưa thạo, bảng cửu chương không thuộc. Có em thì lớp 2 cũng không thạo mặt chữ. Các em đến đây đứa ngoan đứa thì nghịch hơn, chưa chịu học. Em nào ngoan thì mình cũng đỡ, em nào nghịch tí thì mình phải nghiêm. Nói chung so với sức khỏe của bản thân thì cũng hơi mệt nhưng tôi cảm thấy phụ huynh đã tin tưởng gửi gắm các cháu đến đây thì mình phải dạy làm sao cho đến nơi đến chốn”.

Dõi theo từng phép tính, từng câu văn của các em

Lúc đầu, anh bị gia đình phản đối rất nhiều vì sợ sức khỏe không chịu được.Viết bằng miệng phải cúi nhiều thì sức khỏe cũng yếu đi, cộng thêm lúc đầu anh ngẩng 5 cm cách mặt bàn thì trang giấy trắng quá bị chói mắt. Tuy nhiên, theo anh nói, như một cái duyên với con chữ và nghề dạy học, anh cải thiện việc chói mắt bằng cách ngậm bút chéo sang một bên, cho mình thời gian nghỉ nhiều hơn để thuyết phục gia đình tiếp tục dạy các em.

Đối với anh Trường, tri thức vô cùng quan trọng. Sách, Phật pháp, báo đài là những phương tiện giúp anh giữ đầu óc tỉnh táo, cố gắng kiên trì sống tốt hơn mỗi ngày. Người thầy kiên cường ấy vẫn hàng ngày kiên trì dạy học, nhắc nhở các em đọc sách để mở mang kiến thức.

Mở tủ sách miễn phí “Hallo World” và lan tỏa các hoạt động thiện nguyện

Ngoài dạy học, anh Trường còn kết hợp với dự án thư viện cộng đồng Hallo World – Tủ sách ước mơ tại ngôi nhà của mình để các em nhỏ có để đọc, mượn sách miễn phí mỗi ngày. Sách ở đây được các thành viên trong dự án kêu gọi từ thiện, với hơn 3000 đầu sách từ giáo khoa, khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh,… nhằm tạo không gian đọc lành mạnh cho các em. Mỗi ngày, các em đến vừa học vừa đọc sách mở mang tri thức là mong muốn lớn nhất của anh.

Hallo World – Tủ sách ước mơ

Bên cạnh đó, anh còn tổ chức các hoạt động thiện nguyện “Tết ấm yêu thương”, mở lớp học tiếng Anh, kêu gọi ủng hộ trao quà cho các em nhân các dịp lễ tết của thiếu nhi, dùng không gian nhà ở làm nơi tập kết quà thiện nguyện ủng hộ đồng bào miền Trung, ghi chép các hoàn cảnh khó khăn trong thôn khi có đoàn mạnh thường quân ủng hộ,…

“Tôi không dám nhận bản thân là thầy giáo”

Tuy được phụ huynh yêu mến, tin tưởng và đưa con đến học, các em cũng rất thích đến lớp học của anh nhưng anh Trường vẫn luôn canh cánh suy nghĩ: “Tôi sợ nhiều cháu đến thấy tôi thế này lại không muốn học. Vậy nên mỗi ngày đều cố gắng luyện chữ. Các cháu ngoan sẽ thấy bác viết bằng miệng còn đẹp được thì mình viết bằng tay phải đẹp hơn. Tôi không đưa tay các cháu theo từng nét một được, nhưng cũng cố gắng để viết mẫu các nét cho các cháu viết theo đẹp nhất có thể”. Anh Trường là vậy, tấm lòng tận tâm, luôn nghĩ cho học sinh những điều tốt nhất.

Minh Anh, cô bé lớp 6 đến đón em học về bẽn lẽn chia sẻ: “Em cháu học lớp 2 mà kém lắm, ngày xưa cháu cũng từng học bác Trường, giờ đến em cháu học. Ở đây chúng cháu ai cũng yêu quý và kính trọng bác Trường, bác tốt với chúng cháu lắm”.

Anh Trường vẫn luôn không dám nhận bản thân là thầy giáo

Xóm giềng gần xa vẫn luôn trân quý và gọi anh với cái tên đặc biệt “thầy giáo viết chữ đẹp bằng miệng”, tuy nhiên anh vẫn luôn không dám nhận danh xưng này: “Đối với tôi, tôi chẳng được đào tạo sư phạm, cũng không được giỏi như các thầy cô giáo ngoài kia. Chỉ biết trời thương, tuy tật nguyền nhưng cho tôi được trí tuệ minh mẫn để giúp đỡ các cháu. Tôi chỉ dám nhận mình là người đi trước, hiểu biết hơn các cháu để có thể dạy thêm cho các cháu chút nào hay chút đó, sau này nó còn học tốt mà kiếm cái nghề”.

Không giấu được nỗi xúc động, anh Trường tâm sự: “Số phận tôi bất hạnh mà các em vẫn đến để học thì tôi đã thấy bản thân mình sống không vô nghĩa, sống có ích cho cuộc đời. Mình vươn lên được thế gia đình cũng bớt khổ. Các em đến đây học nhoáng một cái đã hết một ngày, có khi mình quên hết bệnh tật đi, sống lạc quan hơn”.

Vì dịch bệnh nên mỗi buổi sẽ có từ 2-4 em học sinh đến nhờ anh Trường kèm học

Vì tình hình dịch Covid-19, mỗi ngày anh chia lớp thành các ca nhỏ cho các em đến học, tránh tập trung quá đông người. Đối với anh, có thể có một gia đình với đứa con khỏe mạnh đã là món quà lớn lao ông trời ban cho. Vì thế, niềm hạnh phúc của anh chỉ đơn giản là sống lạc quan, vui vẻ mỗi ngày bên gia đình, bên các em nhỏ nơi đây.

Thu Hoài

Bài liên quan
  • Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO
    Moitruong.net.vn – Trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện ‘trách nhiệm kép’ trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tận dụng sáng kiến của UNESCO phục vụ xây dựng, phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Người thầy viết chữ đẹp bằng miệng” và hành trình vượt lên số phận