Hàng trăm ha lúa Hè Thu tại tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với nguy cơ mất trắng. Hàng nghìn ha hoa màu cũng trong cảnh tương tự. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài xảy ra tại miền Trung kết hợp với tình trạng xâm nhập mặn đang ở mức kỷ lục trong vòng 30 năm qua.
Khu vực thị trấn Nam Phước và xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mặn xâm nhập sâu vào các nhánh sông ảnh hưởng đến hơn 1.200 ha lúa. Ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân chuyển đổi toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng hạn hán sang trồng các giống ngắn ngày; Đồng thời lắp cống ngăn mặn, trạm dã chiến, nạo vét kênh dẫn nước để đẩy mặn. Mấy ngày qua, độ mặn đo được tại khu vực cầu Câu Lâu, trên sông Thu Bồn hơn 20 phần nghìn.
Bắt ống dẫn nước, đưa nước ngọt về phục vụ người dân sông dọc sông Thu Bồn.
“Trời nắng quá, lúa khô cháy lá hết, vàng lá. Họ cũng ngăn mặn rồi nhưng vẫn mặn. Nước mặn dâng lên bơm vào lúa sẽ không phát triển. Nước uống thì bơm từ giếng rồi lọc uống”-bà Trần Thị Xong, ở khối phố Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
Do nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là đối với hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 có mực nước hồ đã thấp hơn mực nước chết, không còn khả năng điều tiết nước đảm bảo cho vùng hạ du nên mặn xâm nhập sâu vào vùng hạ du sông Thu Bồn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cấp cho các trạm bơm Vĩnh Điện, Xuyên Đông, 2/9, 19/5 và Diều Gà, tổng diện tích khoảng 2.500 ha.
Đắp đập ngăn mặn ngang qua nhánh sông Thu Bồn, đảm bảo nước tưới cho khu vực Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã trích nguồn kinh phí dự phòng hơn 4 tỷ đồng để nạo vét lòng sông La Thọ và sông Bình Long khơi thông dòng chảy.
Hạn hán khiến cây trồng héo hon.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, vụ Hè Thu năm nay, địa phương có gần 40.000 ha đất được tưới từ các công trình thủy lợi. Trong đó, diện tích lúa chiếm hơn 37.000 ha. Hiện có 13 hồ chứa thủy lợi do địa phương quản lý mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1 đến 2m, 17 hồ có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2 đến 3m.
Ông Lê Ngọc Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện có 2.500 ha lúa đang áp dụng các biện pháp chống hạn. Đối với những diện tích phụ thuộc nước trời thì hầu như “vô phương cứu chữa”.
Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, hiện các hồ chứa lớn phía thượng nguồn đều ở trong tình trạng dưới mực nước chết, vì vậy việc xả nước đẩy mặn cho hạ du là điều khó khăn. Như vậy, ngoài việc chờ mưa, các vùng chuyên canh nông nghiệp ven biển của Quảng Nam cũng đang tính toán đến xây dựng các giải pháp sản xuất bền vững thuận thiên, trong đó ngoài các biện pháp công trình như đê ngăn mặn, nạo sâu các kênh dẫn dòng thì việc chuyển đổi cây trồng chịu mặn và ít sử dụng nước cũng đang được tính đến.
Mai Dung (t/h)