Nguyên nhân gây ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là do sông Phan chảy ngược dòng

Hạ Vy|05/08/2023 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo công bố của các nhà chuyên môn, nguyên nhân gây ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là do dòng chảy sông Phan có sự thay đổi. Mưa lớn, dài ngày đã khiến lượng nước không thoát kịp chảy ngược lại thượng lưu làm tràn ra đường cao tốc.

5-ctoc.jpg
Đoạn ngập nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được xác định là do sông Phan thay đổi dòng chảy vì nước từ thượng lưu đổ về không thoát kịp đã chảy tràn ra cao tốc 

Ngày 4/8, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án Thăng Long, đã công bố nguyên nhân ban đầu gây ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Cùng ngày, tỉnh Bình Thuận cũng có thông báo nội dung cuộc họp ngày 31/7 về kết luận cuộc họp về giải quyết tình trạng ngập nước đường cao tốc.

Theo ông Đinh Công Minh, qua cuộc khảo sát vừa qua, nguyên nhân gây ngập cao tốc ban đầu được xác định là do dòng chảy sông Phan có sự thay đổi, cây cối mọc nhiều, thậm chí có cả những cây lâu năm mọc trong lòng sông.

Vì vậy, khi mưa lớn, nước ở thượng nguồn đổ về thoát không kịp và chảy ngược lại thượng lưu làm tràn ra đường cao tốc. “Trước mắt, chúng tôi chọn phương án khơi thông dòng chảy bằng cách dùng phương tiện dọn dẹp cây mọc dưới lòng sông, thanh thải dòng chảy phía hạ lưu sông Phan. Chúng tôi cũng bố trí lực lượng ứng trực để xử lý. Nguồn kinh phí để thực hiện việc này sẽ do đơn vị tư vấn thiết kế chi trả” - ông Minh cho hay.

Giám đốc BQL dự án Thăng Long cũng thừa nhận việc ngập cao tốc một phần lỗi thuộc về tư vấn thiết kế, bởi tuyến đi sát sông cần phải tính toán phương án nước dâng cao và tràn lên. Vì vậy, đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm khơi thông dòng chảy. Về giải pháp lâu dài, ông Minh cho biết “cần tính toán căn cơ”. Hiện đơn vị đã thuê chuyên gia làm các mô hình thủy văn rộng ra, từ đó chọn giải pháp phù hợp.

Những ngày qua, sự cố ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều chuyên gia đã đưa ra các nghi vấn nguyên nhân gây ngập lụt đoạn cao tốc mới được đưa vào khai thác tạm cách đây chưa lâu.

Được biết, cũng trong chiều 4/8, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận Nguyễn Quốc Nam đã ký thông báo kết luận cuộc họp về giải quyết tình trạng ngập nước cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Qua kiểm tra hồ sơ thiết kế được duyệt, tại Km25+419 bố trí cống thoát nước ngang đường là cống hộp có kích thước 2,5 x 2,5 m, cao trình mặt đường là 44,47 m. Đây là cao trình thấp nhất trong đoạn tuyến Km24+911 - Km25+960 (hơn 1 km).

Có bốn rãnh dọc đổ về tại vị trí cống ngang đường, nước từ bên trái tuyến cao tốc thoát về bên phải tuyến và đổ ra sông Phan (cách vị trí cống khoảng 150-200 m). Đồng thời, tại Km25+419 có đường điện 500 kV giao chéo với đường cao tốc.

Theo ý kiến của Truyền tải điện Bình Thuận thì quy định chiều cao tĩnh không yêu cầu của đường điện cao thế 500 kV là 10,25 m khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại. Qua khảo sát thực tế tại Km25+419 thì chiều cao tĩnh không từ mặt đường đến dây điện 500 kV lớn hơn 25 m.

Tại thời điểm dòng tải 900A, nhiệt độ môi trường 30 độ C, với khoảng cách thực tế này lớn hơn nhiều chiều cao tĩnh không yêu cầu. Do đó, cao trình tuyến tại vị trí này không bị khống chế bởi đường điện cao thế 500 kV.

“Việc ngập cao tốc một phần lỗi thuộc về tư vấn thiết kế, bởi tuyến đi sát sông cần phải tính toán phương án nước dâng cao và tràn lên.”

Để giải quyết tình trạng ngập nước gây ách tắc, mất an toàn giao thông, Sở GTVT và các thành phần tham dự cuộc họp đề nghị BQL dự án Thăng Long phối hợp chặt chẽ với Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE), Cục CSGT và các lực lượng chức năng của địa phương kịp thời điều tiết và hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn khi có hiện tượng ngập nước xảy ra tại Km25+419.

Các sở TN&MT, NN&PTNT, UBND huyện Hàm Thuận Nam, huyện Hàm Tân và các xã liên quan được chỉ đạo phối hợp với BQL dự án Thăng Long tổ chức khảo sát dọc theo sông Phan để xác định các vị trí dòng chảy bị thu hẹp (nếu có). Sau đó đề xuất phương án xử lý khơi thông, đảm bảo khả năng thông thoát nước khi có mưa lũ xảy ra. Kết quả khảo sát, phương án xử lý gửi Sở GTVT trước ngày 15-8.

“BQL dự án Thăng Long chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát địa hình, thủy văn để có giải pháp thiết kế phù hợp trong thời gian sớm nhất, không để xảy ra tình trạng ngập nước trong thời gian tới. Trong đó, nâng cao đường gom dân sinh bên phải tuyến để việc đi lại của người dân không bị gián đoạn” - thông báo nêu.

UBND huyện Hàm Tân, huyện Hàm Thuận Nam, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT phối hợp với BQL dự án Thăng Long trong việc khơi thông dòng chảy sông Phan khi có yêu cầu. Trong khi đó, Sở GTVT sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với BQL dự án Thăng Long trong thực hiện đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến khi có mưa lũ xảy ra.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 31/7, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 - đơn vị tư vấn thiết kế đoạn xảy ra ngập nước cho rằng dựa trên điều tra dữ liệu thủy văn thì mực nước lũ sông Phan (cách điểm ngập khoảng 150 m) dâng cao nhất vào năm 1992 là khoảng 41,2 m.

Đơn vị này cũng nghi ngờ một trong những nguyên nhân gây ngập cao tốc là do đập Sông Phan xả nước với lưu lượng 90 m³/giây khiến nước không thoát kịp. Ngoài ra còn do người dân trồng cây lấn vào dòng chảy kênh, mương thoát nước nằm ngoài phạm vi cao tốc, ngăn dòng chảy nên mới gây ngập…

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận khẳng định hồ thủy lợi Sông Phan không xả lũ mà chỉ xả tràn với lưu lượng 86-90 m3/giây. Theo sở này, hồ thủy lợi Sông Phan là công trình thủy lợi cấp II, xây dựng để chịu được lũ tần suất 50 năm xảy ra một lần và lưu lượng xả tối đa theo thiết kế đến 600 m³/giây.

Chỉ với một lượng mưa và lượng xả tràn chưa đến 1/6 mức thiết kế tối đa thì không ảnh hưởng đến việc ngập cao tốc.

Ông Nguyễn Đình Hoan, Chủ tịch UBND xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, cũng cho biết đỉnh lũ tại sông Phan cao nhất là vào năm 1999 chứ không phải năm 1992. Về ý kiến người dân trồng cây lấn kênh, mương ảnh hưởng đến dòng chảy là không đúng vì toàn bộ cây cối mọc ở mé sông Phan là cây tự nhiên.

Bài liên quan
  • Hà Nội: Đẩy nhanh các dự án chống ngập cho thủ đô
    Trước khi mùa mưa 2023 bắt đầu, Sở Xây dựng Hà Nội đã phát đi những cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngập úng so với những năm trước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các dự án được coi là “cứu cánh” cho tình trạng ngập úng tại Thủ đô mới đang trong giai đoạn triển khai lập đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá tác động môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên nhân gây ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là do sông Phan chảy ngược dòng