Nhà báo Điều tra Đỗ Doãn Hoàng: Thành “Cánh chim rừng không mỏi”, khi “Nửa dòng máu mang màu diệp lục”

Lương Nguyễn|21/06/2022 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tôi đã gọi nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bằng các cụm từ ngữ như trên, trong ngoặc kép là tên hai cuốn sách của anh, xuất bản cách nhau hơn 15 năm …

Tập Phóng sự “Cánh chim rừng không mỏi”, NXB Thanh Niên ấn hành; tập “Nửa dòng máu mang màu diệp lục” đang sửa soạn làm lễ ra mắt sách trước Tết âm lịch để kỷ niệm một phần tư thế kỷ liên tục làm báo, liên tục sáng tạo với một kho “di sản” đồ sộ 31 cuốn sách của anh.

Những chuyến đi rừng dài ngày, cả hơn 2 thập kỷ miệt mài với biết bao phóng sự điều tra, xuất bản hơn ba chục cuốn sách, đặt chân đến hơn 30 quốc gia khắp địa cầu để tham dự các chương trình khám phá và điều tra để bảo vệ những cánh rừng bị “ứa máu” cùng các loài động vật hoang dã đang rên xiết trước họng súng săn. Phía sau ngồn ngộn tư liệu cuộc sống đó, là những câu chuyện tinh tế và trân quý. Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng để nghe anh chia sẻ nhiều hơn về chặng đường dài đi tìm lại màu xanh, nhựa sống cho mẹ thiên nhiên.

Từng là người đồng sáng lập ra Diễn đàn Nhà báo Môi trường từ hơn 15 năm trước, lại là người điều hành nòng cốt Sáng kiến Mạng lưới Nhà báo Điều tra Bảo vệ Động vật hoang dã (ra đời năm 2021), nhà báo Đỗ Doãn Hoàng được biết đến như một nhà báo điều tra có mối lương duyên đặc biệt với các câu chuyện nóng và tâm huyết về môi trường ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Gần đây, nhà báo Hoàng còn mở rộng vấn đề ra phạm vi khu vực và quốc tế nhiều hơn nữa, cũng là bởi tính chất liên quốc gia của chủ đề này. Sau các chuyến khám phá châu Phi, rồi đi dọc nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là vùng Tam Giác Vàng nóng bỏng để điều tra, anh bảo, thiên nhiên màu nhiệm và các câu chuyện bổng trầm của thế sự đã khiến anh “lột xác”.

nha-bao-do-doan-hoang(1).jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang công tác tại báo điện tử Dân Việt

Đền nợ thiên nhiên, vì cái thuở mục đồng!

Chia sẻ về mối lương duyên khi thực hiện các đề tài môi trường, thiên nhiên và các loài động vật hoang dã những năm tháng qua, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã bắt đầu bằng các câu danh ngôn, ngạn ngữ, với các ý tứ sâu sắc và thú vị. Anh bảo: “Ngẫm, thấy hay quá và cũng đau quá!”.

“Phần còn lại của thế giới (thiên nhiên) có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta; nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu như thiếu đi chúng” (Sylvia A. Earle); “Chúng ta không thừa kế Trái Đất từ tổ tiên, chúng ta mượn nó từ thế hệ tương lai” (Ngạn ngữ Mỹ); “Chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được giá trị của nguồn nước - cho đến khi những cái giếng cạn khô” (Thomas Fuller)…

Vì sao anh lại “nặng nợ” với chủ đề bảo vệ thiên nhiên như vậy? Tôi hỏi.

Đỗ Doãn Hoàng đưa ra cuốn bản thảo trong máy tính. Bởi, điều này được anh bật mí trong dịp xuất bản cuốn sách thứ 31 của mình, mang tên: “Nửa dòng máu mang màu diệp lục”: “Trong hơn 20 năm đó, tôi đã viết và xuất bản tới 30 cuốn sách đủ thể dạng. Không hiểu cơ duyên thế nào, dường như có một sự thôi thúc nội sinh, từ các câu chuyện và chân lý của cuộc sống đã vô tình hay hữu ý dồn đẩy tôi đến với các vấn đề nóng bỏng của môi trường sống ở Việt Nam và thế giới”.

Có lẽ, chính bởi những chuyến đi, cuộc sống, sự cấp thiết của môi sinh thực tại là nguồn chất liệu quý để nhà báo tài hoa này cho ra đời những tác phẩm báo chí đầy nhân văn và mang ý nghĩa thời cuộc. “Ngẫm lại, giữa hàng nghìn trang viết mình dốc công thực hiện và để lại, biết đâu, chuyện ít viển vông và hoang tưởng nhất lại là các cuộc chiến bảo vệ và truyền cảm hứng cho bảo vệ môi trường”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trải lòng.

Sau tất cả, có lẽ, điều khiến nhà báo Đỗ Doãn Hoàng gắn bó với đề tài môi trường đến mức trở thành duyên nợ kia đã bắt nguồn từ những ám ảnh tuổi thơ. “Tôi đã chặt rừng, đẵn gỗ, rồi cùng nhiều người đi giết các rừng thông cổ thụ, thẳng đuỗn, cao vời ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì) thanh bình thuở ấy. Tôi đã phá rừng, giết chết không ít những sinh linh hoang dã vô tội, đã “đầu độc” đồng bào mình theo đúng nghĩa đen. Để rồi ân hận cứ như sóng biển ru bờ ùa ập trở lại mãi. Bây giờ, mỗi lần đi qua, thấy các thắng cảnh “rừng thông hai mộ”, thấy các cánh rừng cổ tích ven sông Đà (nay là xung quanh khu vực Di tích, tưởng niệm K9, khu “Đá Chông”, “Đền Hạ” (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), tôi đều không khỏi xót xa.

Cũng từ đây, ám ảnh trên cứ cồn lên cao hơn sau mỗi lần nhà báo được mời giảng dạy, diễn thuyết, tọa đàm, dâng kiến nghị đến các cấp về vấn đề môi trường. Anh cũng viết giáo trình về báo chí điều tra bảo vệ màu xanh của trái đất. Anh được mời đi châu Phi và nhiều quốc gia khác với các chuyến thực địa điều tra về nạn săn bắt tàn sát động vật hoang dã (như sư tử, voi, tê giác…) rồi hay nhận nhiều giải thưởng báo chí và các cuộc vinh danh đáng tự hào về chủ đề môi trường…

Mối lương duyên với các câu chuyện nhân văn của thời cuộc

Từ núi rừng, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã về Hà Nội học báo chí, làm cho các báo, tạp chí: Tạp chí Thanh Niên, Báo Thanh niên, Báo An ninh Thế giới, Báo Công an Nhân dân, Báo Lao Động, Báo NTNN / Dân Việt và cộng tác với vài chục tờ báo, kênh truyền hình khác nhau. Một trong những chủ đề anh dành nhiều “thời lượng” quan tâm là vấn đề môi trường sống của người Việt Nam, cũng như của nhân loại tiến bộ nói chung.

Đỗ Doãn Hoàng kể:

“Từ một “quá khứ” như vậy, không biết tự lúc nào, tôi “trượt” dần theo các câu chuyện và nỗ lực quyết liệt làm một cái gì đó vì môi trường. Dần dà, như có một thế lực nào đó tự thân đã dẫn dắt tôi đi sâu dần vào lĩnh vực này”.

Với Đỗ Doãn Hoàng, điều tâm đắc nhất trong mỗi tác phẩm báo chí của mình là hiệu ứng tích cực lan tỏa đến cộng đồng. “Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách của một người làm báo, là “anh” đã làm được gì cho một xã hội tốt đẹp hơn”.

Nói đến đây, anh dẫn chứng loạt bài “điều tra độc quyền” phía sau vụ tàn sát rừng nghiến cổ thụ “khủng” nhất Việt Nam ở tỉnh Hà Giang. Những tội ác ấy đã được đưa ra ánh sang bằng mức hình phạt 64 năm tù giam cho các nhân vật của xê ri phóng sự độc quyền. Và số năm tù dành cho các đối tượng sai phạm còn cao hơn nữa, bởi kẻ vi phạm, kể cả cán bộ như Trạm trưởng Bảo vệ rừng (trong vụ này) đã bị bắt giam và chưa đưa ra xét xử.

“Đáng nói hơn cả, một vụ việc có đến hơn 13 đối tượng đã bị bắt giam, bị tạm giữ hình sự, bị cách tất cả các chức vụ, rất nhiều bi kịch mà các đối tượng thảm sát rừng đã phải gánh chịu sau loạt bài của chúng tôi. Tôi nhấn mạnh đó là loạt bài độc quyền do chúng tôi điều tra, kiến nghị chứ không phải là loạt bài mà cơ quan chức năng xử lý và chúng tôi đi đưa tin. Cho nên, chúng tôi tự tin đóng dấu độc quyền trong các phóng sự của mình”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định.

Chia sẻ về những khó khăn của nghề làm phóng sự điều tra, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết: Rừng mệnh mông rộng vài chục nghìn héc- ta mà không biết điều tra ở đâu, chỉ nghe đồn là trong đó có các vụ phá rừng. Cái khó khăn nhất là sự đơn độc, suốt một thời gian dài anh đã cùng các cộng sự chiến đấu hầu như không có một tờ báo nào vào cuộc, hầu như không có ai ủng hộ. “Thậm chí chúng tôi đưa ra những con số mà chúng tôi rất sợ là sau này họ sẽ phản pháo lại, vu cho mình cái tội hồ đồ. Chặt một cây gỗ nghiến cổ thụ trong Vườn Quốc gia là đã bị khởi tố hình sự rồi, trong khi người ta bí mật tiết lộ, rồi dẫn chúng tôi đi chứng kiến, dễ đến cả trăm “cụ nghiến” bị chặt, cả cánh rừng mênh mông bị tàn sát. Đó có thể là vụ phá rừng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, theo những gì chúng tôi đã kỳ công khảo sát, điều tra, so sánh. Tuy nhiên, cần tài liệu “bắt tận tay day tận trán”, cần hồ sơ thuyết phục để đưa vụ này ra ánh sáng. Quả là một thách thức không nhỏ”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể.

Cuối cùng, xê ri phóng sự kể trên của Đỗ Doãn Hoàng và cộng sự đã được trao Giải A, Giải Báo chí Toàn quốc về chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021.

Tương tự, phóng sự dài kỳ “Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng” (hơn 30 kỳ, đăng trên Báo Điện tử Dân Việt) của Đỗ Doãn Hoàng đã được được trao Giải nhất Báo chí, điều tra và bảo vệ động vật hoang dã của năm 2021, giải thưởng VIEWS AWARDS (năm 2020, với tuyến bài “Xâm nhập các đường dây buôn hổ xuyên quốc gia” của anh cũng được trao giải nhất cuộc thi này). Theo chia sẻ của anh, loạt phóng sự độc quyền trên đã kiến tạo nên vụ giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam. Có những làng nuôi trái phép hàng trăm con hổ, mà 20 năm qua lực lượng hữu trách của Việt Nam và thế giới quyết liệt tấn công điều tra nhưng vẫn chưa có một vụ bắt giữ xứng tầm nào. Gần đây, việc điều tra độc lập của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cùng các cộng sự, đặc biệt chính anh đi gặp cơ quan công an để đưa tư liệu gồm các bức ảnh, ghi âm, video tố cáo, các nhận định về thủ phạm và đường dây xuyên quốc gia… - đã góp phần thúc đẩy nhiều chuyên án “kỷ lục”. Anh cũng trực tiếp phối hợp với các điều tra viên, khiến nhiều đối tượng buôn bán động vật hoang dã phải tra tay vào còng. Mức án vài chục năm tù cho các đối tượng trong tuyến bài kể trên đã như phát súng hiệu quan trọng, mở ra các chiến dịch triệt phá nhiều tụ điểm tai tiếng ở Việt Nam.

“Tuy nhiên tính hiệu quả của các chiến dịch trên (và nhiều hoạt động tương tự lâu nay), theo tôi, nó mới chỉ dừng lại ở mức kìm chân các suy thoái môi trường thôi, chứ tính hiệu quả của nó chưa đủ lớn để xã hội thấy thật sự vui vì sự chuyển biến và để chúng tôi thấy thật sự vui vì đóng góp của mình đã thúc đẩy… đi đến tận cùng của vấn đề”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trăn trở.

nha-bao-do-doan-hoang.jpg-1.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (thứ 3 từ trái sang) nhận Giải A - Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba năm 2020-2021

Đi đến cùng của nghề báo, còn là các hoạt động vì cộng đồng

Người làm báo không chỉ có những tác phẩm mang hiệu ứng xã hội, với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng vượt lên tất cả là hoạt động ngoài trang viết, chống cái ác, lan tỏa cái tốt đẹp cho cộng đồng. Đó là khi các nhà báo quốc tế đã tiếp thêm cho anh ngọn lửa để điều tra đến tận cùng nhất có thể các vấn đề. Và không chỉ điều tra để viết báo mà còn là những công việc hữu ích ngoài báo chí. Thông qua các hội thảo, các cuốn sách, những buổi diễn thuyết, các giáo trình giảng dạy, các cuộc vận động hành lang thúc đẩy thực thi pháp luật, các kiến nghị chính sách… để từ đó: tâm huyết, trí tuệ và năng lực của nhà báo được vươn tầm và tận hiến.

Với 26 năm làm báo chính thức, đặt chân tới 31 quốc gia, xuất bản 31 cuốn sách, với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, làm báo cũng là nghề mưu sinh; anh đã sáng tạo tác phẩm, điều tra các vấn đề gai góc, nóng bỏng để nâng cao nhận thức, lan tỏa hành vi tốt đẹp, thúc đẩy thực thi pháp luật, chống lại cái xấu trong xã hội. Báo chí là một nghề giản dị nhưng cũng là lĩnh vực được xem như quyền lực thứ tư trong xã hội, sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tức là nhà báo không chỉ viết mà còn điều tra, tố cáo, tham gia kiến nghị chính sách, đối thoại chất vấn cơ quan chức năng và tiến tới giám sát sự hành động của cơ quan chức năng sau đó. Vậy, người làm báo có tâm, có năng lực thực sự, có sự minh bạch, trong sạch và đạo đức nghề nghiệp hoàn toàn có thể cống hiến cho xã hội ở rất nhiều khía cạnh.

Còn với báo chí điều tra, đó là nghề đôi khi rất mạo hiểm, ở đó, người làm báo cần nhiều trí tuệ, bản lĩnh (trong cuộc sống, nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp). Vì vậy, chúng ta cũng luôn phải học tập liên tục, học từ những nhà báo kỳ cựu tiền bối, từ những bạn trẻ với khả năng ngoại ngữ tin học đã trở thành công dân toàn cậu thực sự trong “thế giới phẳng”. có thể đi tác nghiệp khắp mọi nơi trên thế giới; học từ các nhà báo quốc tế lừng danh, khi họ đến Việt Nam tác nghiệp…

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tâm sự: “Những nhà báo quốc tế họ cho tôi bài học là đã làm bất kỳ việc gì đó cũng phải thành chuyên gia, muốn như vậy, bạn phải học nghiêm túc, liên tục. Chúng ta nên coi trọng điều này: tác phẩm trước là nấc thang để bạn nương tựa, bước lên, để rồi vươn lên một tầm cao hơn. Tác phẩm sau “cao” hơn tác phẩm trước, bạn càng ngày càng trở thành chuyên gia cao hơn trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi. Với nghề báo mà đi đến cùng của sự xuất sắc là hoạt động xã hội tích cực, lương thiện: đó là vận động chính sách, tham gia vào những công việc ngoài trang viết để kiến thức, tâm huyết của mình và quyền lực của người làm báo / nghề báo được phát huy, phụng sự cộng đồng. Phải nỗ lực để lương thiện và thật sự hiệu quả”.

Bằng những ý niệm đó, thông qua những chuyến đi “để đời”, qua sáng tạo kỳ công, với mỗi tác phẩm báo chí, cả những hoạt động ngoài trang viết của mình, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng luôn đau đáu, trăn trở một bài toán: báo chí đứng ở đâu và nhà báo đã làm được gì cho xã hội? Một trong những chủ đề tâm huyết ấy, Đỗ Doãn Hoàng luôn muốn truyền đi những thông điệp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các loài động vật hoang dã.

“Thấy cộng đồng quốc tế họ bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên quá chuyên nghiệp và tận tâm, thật đáng để ước mơ. Lúc ấy, đôi khi và ở đâu đó, tôi đã nặng lòng buồn lo cho thiên nhiên Việt Nam. Thậm chí những mù quáng và vô lối ở một đối tượng, đã khiến tôi cảm thấy xấu hổ”, Đỗ Doãn Hoàng tâm sự.

Anh chia sẻ: tôi đã đi nhiều lần, đến với nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia trên thế giới. Ví dụ, Công viên Quốc gia Kruger ở Nam Phi, tôi đến đó, lần nào cũng nghiêng mình ngưỡng mộ các giá trị tuyệt bích của thiên nhiên hoang dã. Ở đó, có đến 2.000 kiểm lâm và nhân viên an ninh bảo vệ rừng, thú rừng. Họ dùng máy bay trực thăng để di chuyển trong quá trình đi thị sát những cách rừng xa xôi, xa xôi và hiểm trở đến mức không thể di chuyển bằng ô tô. Họ thị sát để săn đuổi lâm tặc, cứu những con tê giác, con voi rừng bị tấn công. Có những lúc không cứu được chúng, người ta xét nghiệm, lấy mẫu AND, tìm vỏ đạn, dấu vân tay để phát hiện thủ phạm. Có khi, một con tê giác bị giết, bị cưa mất sừng đem đi bán, chỉ 48 tiếng sau, họ đã phát hiện chiếc sừng tê giác Châu Phi đó ở tận Đông Nam Á của chúng ta. Có khi, con tê giác vẫn đang hấp hối trong đau đớn, thì sừng của nó đã xuyên lục địa trong những đường dây siêu lợi nhuận. Buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã, lợi nhuận của nó chỉ đứng sau buôn vũ khí, buôn ma túy và buôn người.

Cuối những năm 1890, người Nam Phi đã mở các tour du lịch vào thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp. Du khách sẽ lái ô tô vào rừng xem voi, sư tử, tê giác đang sum vầy trong trạng thái tự nhiên, hoang dã hoàn toàn giữa hệ sinh thái sa-van mĩ miều. Trong khi cùng thời điểm đó, Việt Nam chúng ta đã có vườn quốc gia nào được thành lập chưa (mãi năm 1962, VQG đầu tiên của chúng ta -VQG Cúc Phương - mới được công nhận); bấy giờ, chúng ta có nghĩ những con hổ, con voi, con gấu cần được bảo tồn không? Dĩ nhiên là không. Họ nhận thức sâu sắc một điều, để các cá thể sư tử, voi hay tê giác trong rừng cho nó sống khỏe và làm du lịch hữu ích, ra nhiều tiền hơn là giết chúng để cưa ngà, nấu cao. Và nếu chúng ta giữ những cánh rừng nguyên sinh để làm du lịch sinh thái thì sẽ sinh lời hơn rất nhiều, bởi có thể tạo sinh kế cho đông đảo người dân, giữ bầu khí quyển Trái Đất và nâng cao giá trị nhân văn của tâm hồn chúng ta khi có thiên nhiên bảo bọc hơn rất nhiều so với việc chúng ta phá rừng lấy gỗ. Phá thì chỉ được khai thác gỗ đúng một lần. Còn giữ rừng, giữ hoang thú để làm du lịch sinh thái, để bảo vệ sự sống an lành, tránh thiên tai và dịch bệnh hành hoành (như COVID-19 hiện nay) - thì loài người được lợi hơn rất nhiều. Dịch bệnh hiểm nghèo đã ra đời từ sự đứt gãy, xô lệch, phá hủy sự cân bằng màu nhiệm từ vạn thuở của chuỗi sinh thái.

Động vật hoang dã trở thành vật chủ trung gian lan truyền dịch bệnh (trong đó có COVID-19) làm thế giới đảo điên hôm nay, là vì sao? Là vì con người đã xâm hại, tàn độc với thiên nhiên hoang dã. Điều này đã được khoa học chính thức thừa nhận. Và chắc chắn nó đã và sẽ là hồi chuông thức tỉnh quý báu và đau xót cho tất cả chúng ta.

Hiện nay, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang công tác tại Báo điện tử Dân Việt.

Với những cống hiến không ngừng suốt chặng đường gắn bó với nghiệp báo, đến nay, anh đã vinh dự được nhận rất nhiều giải thưởng báo chí cao quý, trong đó phải kể đến:

“Giải nhất Báo chí - Giải thưởng VIEWS AWARDS - “Toàn cảnh cuộc khủng hoảng hoang dã” năm 2020 (Vietnam Information on Environment - Wildlife - Sustainability);

Giải B, Giải Báo chí Quốc gia năm 2020, với tuyến bài điều tra “Lời man trá trong những rừng nghiến khổng lồ”;

Giải thưởng "Cống hiến" dành cho Nhà báo xuất sắc trong điều tra bảo vệ Động vật hoang dã, do trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (EVN) Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAIS) và Tổ chức Freeland trao tặng;

Giải nhất – Giải Báo chí Điều tra Bảo vệ Động vật hoang dã (VIEWS AWARDS) do Change tổ chức vào năm 2021.

Giải A – Giải Báo chí Toàn quốc về Chống tham nhũng tiêu cực năm 2021, với tuyến bài dài kỳ “Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam”, đã khiến các “nhân vật” trong bài bị xử tù tổng cộng đến 64,5 năm. Đấy là chưa kể, các phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra với những “nhân vật trữ tình” khác;...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Điều tra Đỗ Doãn Hoàng: Thành “Cánh chim rừng không mỏi”, khi “Nửa dòng máu mang màu diệp lục”