Sáng 29/11 tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Kết quả, với 448/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Còn 10/37 thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH.)
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, ngày 01/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo luật này.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu và đã được thể hiện đầy đủ, toàn diện trong dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW, chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về thực hiện các giải pháp đổi mới trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, không trùng lặp với nội dung đã được quy định trong các luật khác, không quy định chung chung, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC (đã cắt giảm được 27 thủ tục hành chính, từ 37 thủ tục hành chính hiện hành xuống còn 10 thủ tục hành chính), giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
So với dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 thì dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua có 55 điều (giảm 04 điều do bỏ 02 điều quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nội dung quản lý nhà nước về PCCC, CNCH; ghép nội dung 02 điều thành 01 điều (Điều 28); chuyển nội dung Điều 56 thành khoản 6 Điều 55).
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Nhà ở trong ngõ tại 5 thành phố trực thuộc trung ương phải trang bị bình chữa cháy
Về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tại khoản 4 Điều 37 của dự thảo Luật đã giao “Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành…”. Còn cơ sở không thuộc 02 danh mục nêu trên thì không bắt buộc thành lập Đội PCCC và CNCH cơ sở hoặc Đội PCCC và CNCH chuyên ngành; trường hợp không thành lập Đội PCCC và CNCH thì phải phân công người thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH tại cơ sở đó.
Về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 20), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Đối với nhà ở tại các khu vực đô thị có mật độ dân cư rất cao, chật chội, trong ngõ, hẻm sâu, không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC, chủ yếu là ở các thành phố lớn (thành phố trực thuộc trung ương) và do lịch sử quy hoạch, xây dựng trước đây. Để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép quy định bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định đối với các nhà ở thuộc các khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy tại 5 thành phố trực thuộc trung ương. Còn đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH và truyền tin báo cháy.
Về nguồn tài chính và ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, công tác chữa cháy là một nội dung trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, được nhà nước bảo đảm ngân sách thực hiện đối với các lực lượng theo quy định của pháp luật (khoản 3 và khoản 4 Điều 50 của dự thảo Luật). Khi xảy ra cháy, nổ thì cơ quan, tổ chức, gia đình đã phải chịu thiệt hại nhất định về người và tài sản, nếu bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình đó phải chịu một phần kinh phí khi lực lượng PCCC và CNCH thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình sẽ gia tăng khó khăn cho người dân sau khi đã bị thiệt hại về người, tài sản trong vụ cháy.
Vì vậy, để phù hợp với quy định của pháp luật về an ninh, trật tự và thể hiện tính nhân văn trong quy định của pháp luật, dự thảo Luật không bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng PCCC và CNCH thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình.
Về xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, có ý kiến đề nghị làm rõ trường hợp cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật theo quy định và cũng không thể chuyển đổi công năng sử dụng thì xử lý như thế nào.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quy định cụ thể việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy mà không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào sử dụng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành tại khoản 6 Điều 55 của dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. Nếu cơ sở không thể áp dụng được các giải pháp kỹ thuật theo quy định và cũng không chuyển đổi công năng sử dụng thì phải dừng hoạt động theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp vẫn cố tình hoạt động thì sẽ lại xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.