Các nhà khoa học Nhật Bản đã cảnh báo về sự gia tăng số lượng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng kháng hóa chất diệt côn trùng ở một số nước Đông Nam Á.
Cảnh báo được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu tìm thấy đột biến gene mới khiến muỗi Aedes aegypti, còn được gọi là muỗi sốt vàng hay muỗi sốt xuất huyết, có khả năng cao kháng thuốc diệt côn trùng thông thường.
Hơn 80% muỗi Aedes aegypti ở Việt Nam và Campuchia được phát hiện có đột biến gen này. Do đó, các chuyên gia y tế phải xem xét lại phương pháp kiểm soát muỗi và tăng cường cảnh báo về sự gia tăng của muỗi kháng hóa chất diệt côn trùng.
Nhà khoa học Shinji Kasai, Giám đốc Khoa Côn trùng học Y học tại Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản và nhóm của ông đã kiểm tra muỗi từ một số quốc gia ở châu Á cũng như Ghana và phát hiện ra một loạt đột biến khiến một số loài muỗi hầu như "miễn dịch" đối với các hóa chất diệt muỗi phổ biến nhóm pyrethroid như permethrin.
Ông Kasai cho biết, ở Campuchia, hơn 90% muỗi Aedes aegypti có sự kết hợp của các biến thể, dẫn đến loài này có khả năng kháng thuốc diệt muỗi rất cao. Ông phát hiện, một số chủng muỗi có khả năng kháng thuốc gấp 1.000 lần, so với mức 100 lần từng được ghi nhận trước đây. Điều này có nghĩa là mức độ thuốc diệt côn trùng thường tiêu diệt gần 100% số muỗi trong một mẫu nhưng hiệu quả thực tế chỉ đạt khoảng 7%. Ngay cả khi dùng liều thuốc mạnh hơn gấp 10 lần cũng chỉ tiêu diệt được 30% số muỗi siêu kháng thuốc.
Nhóm nghiên cứu do ông Kasai đứng đầu đã thu thập muỗi ở Việt Nam và nhiều khu vực khác để kiểm tra xem cách chúng kháng pyrethroid, loại thuốc trừ sâu bọ phổ biến.
Nghiên cứu chỉ ra ngay cả khi nồng độ hóa chất diệt côn trùng được nâng lên gấp 10 lần so với nồng độ có thể tiêu diệt muỗi thông thường, khoảng 80% số muỗi thu thập được tại Hà Nội vẫn sống sót.
Nhóm của ông Kasai xác định đột biến gene mới có tên là L982W, khiến muỗi có khả năng kháng thuốc trừ sâu thông thường cao hơn.
Khoảng 78-99% muỗi ở 3 khu vực gồm Hà Nội, TP.HCM và thủ đô Phnom Penh (Campuchia) có đột biến gene này. Tính cả L982W, 4 đột biến gene hiện nay đều có khả năng kháng thuốc diệt côn trùng. Tỷ lệ muỗi có 2/4 đột biến gene chiếm 91% ở Phnom Penh, điều này cho thấy sức đề kháng của muỗi đang ngày càng mạnh hơn.
Khả năng kháng thuốc cũng được phát hiện ở loài muỗi Aedes albopictus, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Nguyên nhân có thể là do loài muỗi này có xu hướng kiếm ăn ngoài trời, thường là hút máu các loài động vật và do vậy, có thể ít phơi nhiễm với thuốc diệt muỗi hơn so với loài muỗi Aedes aegypti thích hút máu người.
Nghiên cứu cũng cho thấy một số thay đổi di truyền có liên quan đến khả năng kháng thuốc ở muỗi với mức độ kháng thuốc khác nhau. Ví dụ, muỗi từ Ghana cũng như ở một số vùng của Indonesia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vẫn khá nhạy cảm với các hóa chất diệt muỗi hiện có, đặc biệt là ở liều lượng cao hơn.