Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị phá hủy bởi các trận động đất và sóng thần năm 2011 có thể phải xả trực tiếp lượng nước lớn bị nhiễm xạ ra đại dương, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản cho biết hôm 10/9.
“Lựa chọn duy nhất là trút nước nhiễm phóng xạ xuống đại dương để nước biển pha loãng nó. Chính phủ sẽ thảo luận về vấn đề này, nhưng tôi chỉ muốn nêu ý kiến cá nhân”, Bộ trưởng Harada nói.
Ý kiến được Harada nêu ra sau khi Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, hôm 9/8 cho biết sẽ hết chỗ chứa nước nhiễm xạ vào năm 2022, dù công ty sắp xây số bể mới đủ chứa thêm 1,37 triệu tấn nước.
Sau khi hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, ba lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi bị tan chảy, khiến nước nhiễm xạ rò rỉ, ngấm vào nguồn nước ngầm và nước mưa ở nhà máy. Lượng nước này đã qua xử lý nhưng vẫn nhiễm xạ nhẹ và được thu gom, lưu trữ trong 1.000 bể lớn với tổng sức chứa một triệu tấn.
Phương án khử xạ và hòa lượng nước đã được xử lý ra Thái Bình Dương đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các ngư dân địa phương.
Lý do là việc khử xạ không thể loại bỏ hoàn toàn chất phóng xạ tritium, dù một số chuyên gia khẳng định chất này vô hại ở lượng nhỏ.
Các nhà máy hạt nhân ven biển thường xả nước nhiễm tritium ra đại dương, nhưng loại đồng vị phóng xạ của hydro này được cho là ít gây hại đến môi trường.
Năm 2018, Tepco thừa nhận rằng nước trong các bể chứa ở Fukushima vẫn chứa các chất phóng xạ gây ô nhiễm khác ngoài tritium.
Tú Anh (t/h)