Y tế

Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang tăng nhanh ở TP. Hồ Chí Minh

Thu Phương 27/09/2024 08:32

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, trong tuần qua nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đều tăng nhanh.

Theo đó, về dịch bệnh tay chân miệng, chỉ tính từ ngày 16 đến 22-9, TP.HCM ghi nhận 371 trường hợp mắc bệnh, tăng 26,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tính từ đầu năm đến ngày 22-9 là hơn 11.800 ca. Những quận, huyện có số ca mắc cao là huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8.

soi-1723471848043982833765.jpg
Số ca mắc tay chân miệng tăng cao trên địa bàn TP

Theo ngành y tế, tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Số ca mắc bệnh thường tăng cao vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11.

Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…

Đối với dịch sốt xuất huyết, trong tuần qua, TP.HCM cũng ghi nhận 328 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 8,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 38 là 7.337 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, thành phố Thủ Đức và quận 7.Để phòng bệnh tay chân miệng, ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, kể cả người lớn và trẻ em; ăn chín, uống chín; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC cho biết, trong những năm gần đây, dịch tễ sốt xuất huyết đã thay đổi, không còn phát triển theo chu kỳ mà tăng đều hàng năm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân của tình hình này chính là do hậu quả của sự đô thị hóa và sự nóng dần lên của toàn cầu, tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi phát triển mạnh. Theo thống kê hằng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca mắc và hàng chục ca tử vong.

khach-tiem-vaccine-soi-tai-vnvc-7-9307.jpg.jpg
Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các điểm tiêm vaccine phòng chống dịch sởi trên địa bàn thành phố

Đối với dịch sởi, địa phương ghi nhận 96 ca sởi, tăng 13,6% so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm đến ngày 22-9, tổng số ca sởi là 743 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Theo đó, để phòng bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo, người dân đưa trẻ đi tiêm đủ 2 mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.

Theo Sở Y tế, tổng số mũi tiêm trong chiến dịch của tuần 38 đã tăng gấp 2,4 lần so với tuần trước đó. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đồng đều giữa các quận, huyện.

Trước tình hình trên, Sở Y tế đã yêu cầu các quận, huyện có tỉ lệ tiêm chủng thấp cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine. Cạnh đó, các quận huyện có ca mắc mới tăng cũng cần xem lại việc rà soát trẻ trong địa bàn để không bỏ sót trẻ, nhất là các khu vực thường xuyên có di biến động dân cư…

Trong tuần qua, Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát các điểm tiêm vaccine phòng chống dịch sởi tại các quận 8, quận 7, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh.

Qua đó, ngành y tế thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm cơ bản hoàn tất chiến dịch tiêm phòng dịch sởi trong tháng 9.

Trong tuần từ 23 đến 29/9, Sở Y tế tiếp tục triển khai 544 điểm tiêm. Trong đó, 250 điểm tại các trạm y tế, 13 điểm tại trung tâm y tế, 161 điểm tại trường học, 112 điểm tại các cơ sở tiêm chủng tư nhân, 3 cơ sở bảo trợ và 5 bệnh viện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang tăng nhanh ở TP. Hồ Chí Minh