Nhiều góp ý về quá trình sắp xếp, kiện toàn các cơ quan báo chí khối Đảng

Anh Thư|13/11/2021 12:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 13/11/2021 tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Viện Khoa học Tổ chức, Cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) tổ chức Hội thảo khoa học “sắp xếp, kiện toàn công tác tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương”.

Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham dự và gửi bài tham luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí khối Đảng như PGS.TS. Đinh Văn Hường, PGS.TS Vũ Quang Hào, PGS.TS. Dương Xuân Sơn, PGS, TS. Vũ Văn Hà, PGS.TS Vũ Thành Lợi, PGS.TS Hà Huy Phượng, PGS.TS Bùi Chí Trung, TS. Phạm Thị Mỵ, TS. Đỗ Tuấn Anh, TS. Đỗ Anh Đức, Ths.Phạm Đức Thái, Ths. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Ths. Đỗ Ngọc Hà…

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông và Ts. Trần Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương) đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo do PGS.TS Đặng Thị Thu Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông và TS. Trần Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương) chủ trì

Quy hoạch báo chí đến năm 2025

Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung tham luận về những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm tới quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025 như việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương; cần làm gì để sau sắp xếp, kiện toàn, các toà soạn hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn…

Theo Quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020, mỗi ban Đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử. Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban Đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.

Thông tin tại Hội thảo cho biết: Đến nay, việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đã cơ bản được hoàn thành đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương (chỉ còn Báo Tuổi trẻ vẫn đang trực thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) và 72 cơ quan báo nói, báo hình. Tổng số cơ quan báo chí được giảm là 71, khiến bộ máy tinh gọn hơn. Hàng chục cơ quan báo chí đã chuyển loại hình hoạt động từ báo sang tạp chí chuyên sâu, chuyên ngành, hoạt động đúng với tôn chỉ mục đích, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người đọc.

Tuy nhiên, việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đối với hệ thống các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến dưới góc nhìn khoa học về vấn đề tổ chức bộ máy, tài chính – trị sự, kỹ thuật công nghệ và nội dung chuyên môn trong quá trình hợp nhất tạp chí các ban Đảng trung ương với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện. Đối với các cơ quan báo Đảng địa phương, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, mô hình Đài phát thanh-truyền hình và Báo Bình Phước vì mô hình này chưa có tiền lệ, nhằm thống nhất về tên gọi, cơ quan chủ quản, cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy, hoạt động tài chính,… để xây dựng các dữ kiện cần thiết cho việc sắp xếp các mô hình tương tự trong tương lai.

Các đại biểu dự Hội thảo

Những góp ý sâu sắc về quá trình sắp xếp, kiện toàn các cơ quan báo chí khối Đảng

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về quá trình sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí có sự khác nhau về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính, cũng như các vấn đề về thương hiệu của tên gọi, tên miền của loại hình báo mạng điện tử, tên miền độc lập của chuyên trang, để tìm các phương án nhằm duy trì, khai thác, phục vụ xây dựng thương hiệu mới.

PGS.TS. Đinh Văn Hường, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, trong các Quyết định số 1431/QĐ-TTg năm 2018 và Quyết định số 362/QĐ-TTg năm 2019 đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án sắp xếp, lộ trình thực hiện, giải pháp, tổ chức thực hiện… và mỗi cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương cũng như địa phương cũng đã xây dựng Đề án cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngoài thuận lợi, các cơ quan này cũng gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ như ảnh hưởng của Quy hoạch tới tâm lý, tình cảm, lợi ích của cán bộ, phóng viên, vấn đề đổi mới tư duy, vấn đề đảm bảo điều kiện về nhân lực, hạ tầng cơ sở vật chất v.v…

“Các cơ quan báo chí của Đảng ở Trung ương và địa phương một thời gian dài được bao cấp, thụ hưởng, nay dần chuyển sang tự chủ tài chính sẽ thế nào?” – PGS.TS Đinh Văn Hường đặt câu hỏi và khẳng định: “Quy hoạch lần này là đúng, rộng mở, có nhiều đổi mới, cơ hội mới, nhưng cần quyết tâm chính trị rất lớn và phải rất quyết liệt, kiên trì thực hiện thì mới có thể hiện thực hoá đúng lộ trình Quy hoạch này vào thực tế”.

Đồng quan điểm về vấn đề này, Ths. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Trưởng phòng Quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, quá trình sắp xếp, chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo, tạp chí có mô hình, cơ chế tài chính khác nhau thành một cơ quan gặp những khó khăn nhất định về quy trình, thủ tục. Một số cơ quan báo, tạp chí sau khi thực hiện sắp xếp theo quy hoạch còn có một số hoạt động chưa thể hiện sự thống nhất.

Ths. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ cho biết hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục tăng cường rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định của pháp luật của các cơ quan báo chí sau thực hiện sắp xếp, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển.

Chia sẻ kinh nghiệm về thực tế quá trình sắp xếp, kiện toàn theo Quy hoạch tại các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương, PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và Ths. Phạm Đức Thái, Uỷ viên Ban Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đều cho biết các công đoạn quy hoạch, sắp xếp đang được tiến hành rất thận trọng tại hai cơ quan này. Mặc dù các cơ quan báo chí khối Đảng ở cả Trung ương và địa phương đều lường trước không ít khó khăn khi tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại theo Quy hoạch nhưng các cơ quan báo chí cũng nhìn nhận rõ đây là một cơ hội để báo chí đổi mới theo mô hình báo chí hiện đại.

Góp ý thêm về cơ hội phát triển của báo chí trong bối cảnh hiện nay, TS. Vũ Tuấn Anh, Trưởng khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao nhận định, kỷ nguyên số cùng với hội nhập toàn cầu mang đến những sự thay đổi lớn trong hình thức làm báo chí truyền thông. Báo chí truyền thông hiện nay đang phát triển theo 3 xu hướng chính là: chuyển đổi số, đa dạng hoá và nội dung trả phí.

TS. Vũ Tuấn Anh cho rằng, trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại, các báo, tạp chí thuộc khối báo Đảng cần quan tâm tới những xu hướng mới này của báo chí để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo cũng đưa ra những góp ý rất thiết thực về mô hình tổ chức toà soạn, về cơ cấu tổ chức bộ máy… cho các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đánh giá, những ý kiến tham góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tại Hội thảo không chỉ là những kinh nghiệm quý báu mà còn là những cơ sở khoa học rất hữu ích cho quá trình thực hiện sắp xếp, kiện toàn theo Quy hoạch của các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương.

Dự kiến, trong thời gian tới, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông sẽ tiếp tục tổ chức các Hội thảo tương tự về những vấn đề đang đặt ra trong quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo sẽ được Ban Chủ nhiệm đề tài chắt lọc, tiếp tục đầu tư nghiên cứu để hoàn thiện báo cáo tư vấn chính sách đối với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần thực hiện tốt Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025./.

Anh Thư

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều góp ý về quá trình sắp xếp, kiện toàn các cơ quan báo chí khối Đảng