Nhiều lỗ hổng trong quản lý nguồn nước sông Đà

Minh An (T/h)|23/10/2019 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo các chuyên gia, sự cố nước nhiễm dầu ở Công ty CP Đầu từ nước sạch sông Đà vừa qua cho thấy, việc quản lý nguồn nước của đơn vị này quá lỏng lẻo và còn lúng túng trong việc xử lý khủng hoảng ô nhiễm nguồn nước.

Cho đến nay, sau hơn 10 ngày xảy ra sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu thải, dù các bể chứa đã được thau rửa sạch sẽ để cấp nước trở lại và cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng nhiều hộ dân sinh sống ở các khu vực bị ảnh hưởng vẫn chưa thực sự yên tâm sử dụng nước sạch sông Đà. Bởi theo người dân, nguyên nhân dẫn đến sự cố ô nhiễm là xuất phát từ khâu quản lý nước đầu nguồn. Nếu ngày nào hồ Đầm Bài (nơi trung chuyển chứa và cung cấp nước cho nhà máy nước mặt sông Đà) chưa được cô lập, kiểm soát, an ninh tốt thì những nỗi lo an toàn nguồn nước vẫn luôn đau đáu.

Giao chất thải nguy hại sai quy định

Liên quan đến sự việc đổ trộm dầu thải, ngày 18/10, cơ quan chức năng tạm giữ hình sự Nguyễn Chương Đại, sinh năm 1994 ở tỉnh Bắc Ninh và Hoàng Văn Thám, sinh năm 1986, ở Lạng Sơn. Tạm giữ 2 xe ô tô liên quan vụ án. Ngày 20/10, nghi phạm thứ 3 là Lý Đình Vũ ra đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Ngày 19/10, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra, phát hiện Công ty Cổ phần Gốm sứ – CTH không quản lý chất thải nguy hại (dầu thải) đúng quy định. Đã chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho tổ chức, đơn vị không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Công ty này đã chuyển giao 8,830 kg dầu thải cho Đại và Thám sử dụng xe ô tô tải mang đi xử lý. Tuy nhiên, công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ về tư cách pháp nhân, về chức năng xử lý chất thải nguy hại của các cá nhân trên.

Từ những vi phạm trên, đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty Cổ phần Gốm sứ CTH chấp hành đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện đúng, đầy đủ nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tiếp tục phối hợp với đoàn kiểm tra và cung cấp thông tin, tài liệu trong quá trình thực hiện quyết định kiểm tra của Cục Cảnh sát môi trường.

Không thể thương mại hóa nước sạch?

Thông tin với báo chí, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến vụ việc như vừa qua, đầu tiên là do nhận thức về trách nhiệm trong việc xử lý nguồn nước; thứ hai là quy trình báo cáo để ứng phó khi vượt khả năng; thứ ba là xử lý tình huống. Ở đây, lẽ ra, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà phải nhanh chóng báo cáo UBND TP Hà Nội về sự việc và nếu nằm ngoài khả năng xử lý, UBND TP Hà Nội phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để đề xuất hướng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, những hướng xử lý được cho là kịp thời này lại không diễn ra như mong đợi, mà Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà lại loay hoay tự xử lý bằng cách tăng cường Clo vào để mong khử ô nhiễm”.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng: “Hồ Đầm Bài phải được xây dựng khép kín, nâng cấp từ một hồ chứa nước cho tưới tiêu thuỷ lợi, trở thành một bể chứa, nhận nước từ sông Đà, xử lý tạo thành nước sinh hoạt cho người dân, và tách hoàn toàn các nguồn nước tự nhiên khác đang chảy vào. Tại đây, cũng phải đầu tư thiết bị quan trắc ô nhiễm tự động để kịp thời phát hiện chất ô nhiễm trong nước”.

“Do vậy, không thể thương mại hóa nguồn nước sinh hoạt của người dân mà phải đặt dưới sự quản lý trực tiếp của nhà nước”, GS.TS Vũ Trọng Hồng kiến nghị.

Đi tìm nguồn nước sạch

Nhà máy nước Sông Đà – Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) bơm trực tiếp nước từ hồ Đồng Bài thuộc địa bàn xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) để sản xuất nước sạch cung cấp cho hàng vạn hộ dân tại Hà Nội. Thực tế không phải 100% nước chứa trong hồ Đồng Bài được lấy từ sông Đà.

Theo ông Nguyễn Văn Mậu – Chủ tịch UBND xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn) cho biết, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đặt trạm bơm đẩy nước từ sông Đà qua đoạn kênh nước sạch dài khoảng 3 km về nhà máy xử lý để cấp nước cho Thủ đô Hà Nội.

Kênh nước sạch qua địa phận xã gần 3 km có đến 2,5 km là đường kênh lộ thiên và còn lại được cống hóa. “Hai bên kênh nước sạch là khu vực sản xuất nông nghiệp của bà con, khoảng 500 m là có dân sinh sống. Việc sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi chắc chắn sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng nguồn nước sạch lộ thiên…”, ông Mậu nói.

Được biết, kênh nước sạch từ xóm Giếng, xã Hợp Thành đến xã Phú Vinh và khu vực quanh hồ Đồng Bài còn có rất nhiều con suối chạy dọc theo các khu dân cư chảy vào chứ không chỉ có nhánh nước dẫn từ sông Đà được bơm lên. Cùng với đó là các hộ dân sinh sống quanh hồ. Vậy nguồn nước sinh hoạt và các nguồn nước tự nhiên xung quanh đều chảy tự do xuống hồ Đồng Bài.

Chủ tịch UBND xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn) Nguyễn Trọng Lê cho biết, quanh các suối chảy về hồ Đầm Bài hiện có khoảng hơn 100 hộ dân các xã: Yên Quang, Phú Minh, Hợp Thành sinh sống. “Riêng xã Phú Minh có 46 hộ dân xóm Vật Lại sinh sống, hơn 100 nhân khẩu. Xóm Chằm Cun của xã Yên Quang thì đông dân – trực tiếp liên quan đến suối Chằm Cun chảy về suối Trầm ra hồ Đồng Bài.

Hồ Đầm Bài hiện có 2 suối chính chảy vào là suối Vật Lại (điểm xuất phát từ suối Chằm Cun đến suối Trầm) và suối Hém (xóm Vật Lại, xã Phú Minh) chảy xuống hồ Đầm Bài. Hai suối trên đều là các suối có lượng nước lớn cạnh khu dân cư thì mọi sinh hoạt, rác thải, chăn nuôi khi mùa mưa chắc chắn sẽ chảy ra 2 suối rồi về hồ Đầm Bài…”, ông Lê thông tin.

“Phần đường kênh nước sạch lộ thiên không hệ thống hàng rào bảo vệ, công trình dẫn nước như vậy chắc chắn không đảm bảo. Bởi hai bên là đê, trâu bò chăn thả, nói chung là không thể đảm bảo được. Làm sao mà quản lý hết được các vấn đề tác động từ bên ngoài vào nguồn nước sạch trước khi dẫn lên hồ Đầm Bài…”, ông Lê nhấn mạnh.

Chưa hết, cách hồ Đồng Bài khoảng 600 m về hướng Đông Bắc là trang trại lợn hơn 1 vạn con – mang nhãn hiệu Japfa Dũng Huyền có tổng diện tích 35.200 m2 nằm trên triền núi cao và hướng thẳng xuống khu dân cư. Khu vực trại lợn cách nhà dân xóm Bu Chằm, xã Phú Minh gần nhất chừng 400 – 500 m và nước thải của trại lợn chảy thẳng xuống đầu nguồn suối Cò Ke.

Chiều 21/10, ông Nguyễn Trọng Lê, Chủ tịch UBND xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn) cho biết, trên địa bàn xã này hiện có 2 trang trại lợn có quy mô 3.600 con. Hai trại lợn Japfa này của anh Lê Xuân Hoàng. Cả hai trại lợn đều bị quy kết xả thải xuống hồ Đồng Bài.

Chủ tịch UBND xã Phú Minh khẳng định, thông tin những trang trại lợn trên xả thải thẳng xuống hồ Đồng Bài cấp nước cho Nhà máy nước sông Đà là không có cơ sở.

Minh An (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lỗ hổng trong quản lý nguồn nước sông Đà