Tìm hiểu chi tiết quá trình xử lý dầu thải ở đầu nguồn nước sông Đà

Hạnh Nhân (t/h)|22/10/2019 04:07
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các miếng lọc dầu có xuất xứ từ Mỹ, được sản xuất từ sợi tái chế của ngành dệt, có khả năng lọc dầu lẫn trong nước, rải bột vi sinh “ăn dầu” và hút bùn, cát lắng ở suối để đem đi xử lý,…

Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS Việt Nam) đang tích cực, triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm dầu trong môi trường đất, nước và bùn sa lắng tại khu vực xảy ra sự cố đổ trộm dầu thải dẫn đến ô nhiễm nguồn nước cấp sông Đà.

Khu vực đầu nguồn lấy nước của Nhà máy nước sông Đà được lắp nhiều màng lọc dầu để đảm bảo nước đầu vào sản xuất không còn nhiễm dầu thải. Theo đơn vị xử lý sự cố, khu vực này được lắp 10 lớp và vài chục lớp lọc dầu khác tại các điểm phía trên, nhằm tách dầu lẫn trong nước thoát ra từ hoạt động thu gom đất, bùn, rác nhiễm dầu trên suối.

Màng lọc dầu để đảm bảo nước đầu vào sản xuất không còn nhiễm dầu thải.

Dầu khuếch tán lẫn trong nước không nhìn được bằng mắt thường đều bị chặn lại tạo lớp màu vàng tại lớp lọc. Đây là một sản phẩm lọc dầu lẫn trong nước rất hiệu quả ngay cả với lưu tốc dòng chảy mạnh, đặc biệt thích hợp cho ứng phó sự cố dầu tràn chìm trong nước xâm nhập vào bờ biển, đồng nuôi thủy sản, các khu vực nhạy cảm hoặc dầu tràn ra cống rãnh ao hồ. Sản phẩm này có xuất xứ từ Mỹ, được sản xuất từ 100% sợi tái chế của ngành công nghiệp dệt với giá thành rất hợp lý, khoảng 300.000 đồng/m2.

Trong 500 mét tiếp theo, cứ 50-70m một màng lọc, sau đó khoảng 200m một màng lọc. Việc lắp nhiều lớp màng lọc nhằm “bắt” dầu ngay khi thoát hay nhả ra từ đất hoặc cỏ mà nó bám dính, không cho dầu có cơ hội khuếch tán trong nước hay sa lắng xuống đáy. Khi các màng lọc ngấm đủ dầu, màng lọc mới sẽ được thay thế.

Do lượng dầu thải đổ ra môi trường quá lớn, nên toàn bộ đất, cát, khu vực sườn đồi bị đổ trộm dầu thải sẽ được xúc hết để đem đi tiêu hủy. Toàn bộ cây cối trên mặt đất cũng sẽ bị chặt bỏ.

Bên cạnh đó, một lượng dầu thải đã bị lắng đọng xuống lòng sông, suối nên SOS Việt Nam cũng cho các máy hút hút toàn bộ nước, bùn dưới đáy. Bùn, cát dưới đáy sông, suối sau khi hút lên sẽ được cách ly, đem phơi để lấy số cặn, cát dính dầu để tiêu hủy.

Phun bột vi sinh Remediator lên các khu vực đất, cát nhiễm dầu.

Sáng ngày 21/10, theo một lãnh đạo của Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS Việt Nam) cho biết, đơn vị đã cho phun bột vi sinh Remediator lên các khu vực đất, cát nhiễm dầu. Đây là loại bột vi sinh có thành phần tự nhiên, không hại cho môi trường và có thể tự phân hủy theo thời gian.

Trung tâm SOS đang tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm khu vực này. Công việc dự kiến kéo dài trong những ngày tới.

Hạnh Nhân (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tìm hiểu chi tiết quá trình xử lý dầu thải ở đầu nguồn nước sông Đà
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.