Các vấn đề về sụt lún đất, suy giảm mạch nước ngầm, các nguồn nước thải trong sinh hoạt, sản xuất… đang ngày càng đe dọa đến an ninh nguồn nước của cả Vùng với những cảnh báo đỏ về nguồn nước bị ô nhiễm và biến đổi.
ĐBSCL là một trong 5 châu thổ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu, nếu nước biển dâng 0,5m thì sẽ ngập 178 ngàn ha, tương đương 4,5% diện tích của vùng; nếu dâng 1m thì sẽ ngập 1,5 triệu ha, tương đương 38,9% diện tích toàn vùng. Mặt khác, việc phát triển thượng nguồn đã khiến lượng phù sa về ĐBSCL ngày càng ít đi.
Đồng bằng sông Cửu Long khi lũ về
Là vùng kinh tế phát triển nông nghiệp, việc quản lý, khai thác nguồn nước vùng ĐBSCL phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội luôn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển toàn diện của toàn vùng cũng như cả nước. Để sản xuất nông nghiệp với 2-3 vụ lúa trong năm, cây ăn trái và nuôi thủy sản quanh năm, cộng với nước phục vụ sinh hoạt, các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ…, tổng nhu cầu nước ngọt trong năm dao động từ 700-2.000 m3/s, đặc biệt vào các tháng mùa khô/kiệt, chiếm đến 15-50% dòng chảy kiệt vào lưu vực sông Mê Công, khiến bài toán “cân bằng cung – cầu” trở thành vấn đề quan trọng hơn trong quản lý nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về đảm bảo an ninh nguồn nước, thậm chí đe dọa đến an ninh lương thực, phát triển bền vững của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Vài năm trở lại đây, do phát triển kinh tế và nông nghiệp của các quốc gia hai bên lưu vực, hàng trăm đập thủy điện đã và đang được hình thành đã tác động lớn tới dòng chảy và lưu lượng nước sông Mê Công, khiến một số đoạn sông Mê Công khô cạn đáy ngay cả trong mùa mưa.
Nằm ở vị trí hạ lưu sông Mê Công, không có dòng chảy chính do khi sông chảy vào lãnh địa đã chia thành 9 nhánh (Cửu Long), Việt Nam, cụ thể là ĐBSCL là vùng phải chịu nhiều thiệt hại nhất khi thượng nguồn không có sự chia sẻ nước công bằng giữa các quốc gia. Thiếu hụt nguồn nước từ thượng nguồn còn khiến cho ĐBSCL phải đối mặt với việc thiếu nước đẩy mặn trước tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở, xâm ngập mặn, đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, kinh tế – chính trị – xã hội của cả vùng.
Mực nước ngầm ngày càng suy giảm
Tại ĐBSCL, tài nguyên nước ngầm có từ 6-7 tầng chứa nước (đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung chỉ có 2-3 tầng chứa). Các tỉnh ĐBSCL được cho là có nguồn nước ngầm dưới đất vượt trội hơn so với nhiều nước khác do tính chất phân bố rộng rãi, trữ lượng lớn, không bị hạn chế bởi tính chất khô hạn của mùa thu và được bảo vệ một cách tự nhiên khỏi ô nhiễm. Nguồn nước ngầm tại ĐBSCL được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt, tưới màu, tưới lúa chống hạn, thậm chí để nuôi trồng thủy sản. Hầu hết các đô thị của Vùng sử dụng 100% nước ngầm như Sa Đéc, Cao Lãnh, Bến Tre, Tân Châu, Bạc Liêu, Cà Mau… Dù vậy, thực tế hiện nay cho thấy, nguồn nước ngầm tại đây đang đứng trước tình trạng khai thác tràn lan, ồ ạt dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Chất lượng nước ngày càng suy thoái
Không chỉ gặp thách thức an ninh nguồn nước từ lưu lượng nước ngày càng suy giảm, ĐBSCL còn đang phải đối mặt với tình trạng chất lượng nước của vùng đang suy thoái từng ngày. Theo Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ, nguồn nước mặt tại nhiều tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện ô nhiễm nghiêm trọng do sự phát triển nhanh của các dự án công nghiệp và đô thị hóa. Tại các tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh như: Cần Thơ, Long An, An Giang… lượng nước thải từ hàng trăm, hàng nghìn cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện, khai thác khoáng sản… chưa qua xử lý, được xả trực tiếp vào các hệ thống kênh rạch đã khiến nguồn nước mặt cũng như nước ngầm bị ô nhiễm trên quy mô lớn.
Hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở ĐBSCL đều tập trung dọc tuyến sông Hậu, sông Tiền, hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, hệ thống xử lý nước thải tập trung chiếm tỷ lệ thấp hoặc không đạt tiêu chuẩn vẫn xả ra môi trường mỗi ngày, khiến cho tài nguyên nước mặt bị nhiễm chất bẩn hữu cơ và vi sinh.
Ngoài ra, các hoạt động nuôi trồng thủy sản như: Nước thải nuôi trồng, quá trình vệ sinh, nạo vét ao nuôi, chất thải ao nuôi công nghiệp cũng đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, suy thoái nguồn nước trên các con sông của vùng ĐBSCL.
An ninh nguồn nước luôn là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa sống còn với vùng Đồng bằng sông nước Cửu Long, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ cao về xung đột nguồn nước giữa các quốc gia nằm hai bên lưu vực sông Mê Công. Chính vì vậy từ nhiều năm nay, các cấp chính quyền cùng các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phi chính phủ… nghiên cứu và thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước cho phát triển bền vững toàn vùng, tránh xung đột.
Về lâu dài, cần có chiến lược bền vững, xây dựng các điểm chứa nước để đảm bảo đủ lượng nước cho sinh hoạt và phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Còn trước mắt, cần kêu gọi các quốc gia thượng nguồn chia sẻ công bằng nước sông Mê Công; khắc phục những tồn tại trong vấn đề bảo vệ môi trường để bảo vệ và khắc phục tình trạng suy thoái chất lượng nước. ĐBSCL cần xác định, chiến dịch đảm bảo an ninh nguồn nước là chiến dịch toàn diện và lâu dài, cần sự vào cuộc của tổng thể các tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế và mọi lĩnh vực xã hội.
Trọng Nhân